Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh linh hoạt với tình hình dịch bệnh

08:09, 27/09/2021

Năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh nhiều tỉnh, thành không thể tới trường phải học tập chủ yếu qua truyền hình hoặc trực tuyến.

Năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh nhiều tỉnh, thành không thể tới trường phải học tập chủ yếu qua truyền hình hoặc trực tuyến. Việc điều chỉnh này hướng đến mục tiêu giảm những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học, không bắt buộc học sinh thực hiện nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn hay đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại.

Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch bệnh Covid-19 kèm theo phần phụ lục hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học đối với từng môn, từng lớp. Theo đó, nhiều nội dung được Bộ GD-ĐT giảm tải theo hướng đưa vào phần khuyến khích học sinh tự đọc, tự tìm hiểu. Một số nội dung được tích hợp theo chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo tính logic, phù hợp dạy học trực tuyến và trên truyền hình.

Bộ GD-ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn, thực hiện chương trình bảo đảm chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống của dịch bệnh Covid-19 tại địa phương; kịp thời tổ chức dạy những nội dung kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình làm cơ sở để tiếp tục dạy các nội dung còn lại, kết hợp với việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT lưu ý các trường không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.

Rõ ràng, nội dung giảm tải chương trình giáo dục phổ thông đã đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết các cơ sở giáo dục hiện nay, nhất là ở những địa phương đang phải dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giảm chương trình đồng nghĩa với việc giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dạy và học, đòi hỏi các cơ sở giáo dục mà đặc biệt là giáo viên phải có sự chủ động, linh hoạt, chịu khó đổi mới, tìm tòi phương pháp giảng dạy sáng tạo nhằm thu hút sự theo dõi, làm gia tăng niềm hứng khởi, thích thú học tập cho học sinh. Ý thức tự học, tự đọc của học sinh cũng phải được nâng cao. Mặc dù hướng dẫn của Bộ GD-ĐT chỉ rõ, sẽ không cho học sinh thi hay kiểm tra vào những nội dung đã được tinh giản, nhưng giáo viên nên khuyến khích, động viên học sinh tự đọc để làm phong phú thêm vốn hiểu biết cho các em.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên đang giảng dạy trực tuyến tại Đồng Nai, việc Bộ GD-ĐT kịp thời ban hành hướng dẫn giảm tải chương trình giáo dục phổ thông là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay, giúp cả giáo viên và học sinh giảm được những áp lực cho một năm học nhiều khó khăn. Với tiền đề này, ngành GD-ĐT đang rất hy vọng, dù phải dạy và học trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp song cả giáo viên và học sinh đều có thể chủ động thích ứng để thu được kết quả tích cực nhất.

Nguyễn Phượng

Tin xem nhiều