Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp ''lửa'' cho kinh tế tư nhân

08:05, 24/05/2021

Kể từ khi đất nước thực hiện đổi mới (1986) và nhất là sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 1999, khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam được xem như "bừng dậy" với một diện mạo khác hẳn với sự hiện diện trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề và ngày càng có đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế.

Kể từ khi đất nước thực hiện đổi mới (1986) và nhất là sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 1999, khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam được xem như “bừng dậy” với một diện mạo khác hẳn với sự hiện diện trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề và ngày càng có đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế.

Theo Bộ KH-ĐT, qua gần 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội… Kinh tế tư nhân, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế (nguồn: Bộ KH-ĐT).

Sau hàng chục năm, ở thời điểm này, khối kinh tế tư nhân Việt Nam đã tự tin góp mặt trên thị trường những tên tuổi lớn mang tính “dẫn dắt” như: Vingroup, Masan, Trường Hải, PNJ, DOJI, Thế giới di động… Thậm chí, có những tập đoàn đã lọt vào danh sách những công ty, tập đoàn có doanh thu lớn của thế giới và khu vực.

Song, thực tế là bên cạnh những mặt sáng, kinh tế tư nhân cũng còn nhiều điểm yếu và thiếu mang tính cố hữu: quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, tính liên kết yếu, cạnh tranh chưa cao…

Nhìn rõ những khía cạnh này, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách mang tính trợ lực cho khối kinh tế tư nhân, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng hơn giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, phải thừa nhận, khối kinh tế tư nhân đôi khi vẫn chưa được “ưu ái” bằng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc khối doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tại nhiều diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cũng thẳng thắn đặt vấn đề: cần tạo nên môi trường kinh doanh công bằng thật sự để doanh nghiệp tư nhân phát triển. Các ưu đãi về thuế, phí, về tiếp cận đất đai, hồ sơ thủ tục… tại nhiều địa phương dường như đang dành nhiều hơn hơn cho khối FDI và khối doanh nghiệp nhà nước. Thẳng thắn mà nói, chỉ khi xóa bỏ được những rào cản nói trên, khối kinh tế tư nhân mới thật sự có động lực và môi trường để “lớn”.

Đảng và Chính phủ đã xác định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp giàu thì đất nước mạnh, đặc biệt là với các doanh nghiệp thực sự của Việt Nam, gọi chung là “doanh nghiêp dân tộc”. Khi đất nước cần nguồn lực cho những thời điểm cấp bách như chống dịch Covid-19, khối doanh nghiệp dân tộc cũng là những đơn vị đầu tiên đóng góp.

Chính phủ hiện đang nỗ lực xóa bỏ những rào cản nói trên với mong muốn kiến tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng thật sự cho khối kinh tế tư nhân, bởi chỉ khi tiềm lực kinh tế thật sự đến từ doanh nghiệp dân tộc thì sự phát triển của đất nước mới vững bền và ngay từ lúc này, doanh nghiệp cần được tiếp “lửa” để có động lực vươn lên, nhất là khi đại dịch Covid-19 đang đặt họ vào thế đối mặt với những bộn bề khó khăn, thách thức.               

Vi Lâm

Tin xem nhiều