Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để manh mún quỹ đất nông nghiệp

08:05, 30/05/2021

Một trong những định hướng lớn của Đồng Nai về phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài là chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Khi và chỉ khi diện tích sản xuất đủ lớn thì việc áp dụng công nghệ cao, kiểm soát chất lượng giống, vật tư, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất... l

Một trong những định hướng lớn của Đồng Nai về phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài là chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Khi và chỉ khi diện tích sản xuất đủ lớn thì việc áp dụng công nghệ cao, kiểm soát chất lượng giống, vật tư, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất... lên nông sản mới có thể thực hiện đồng đều. Và cũng chỉ khi sản xuất lớn mới có thể đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn, nông dân mới có thể dịch chuyển sản xuất từ chỗ “thấy gì làm đó” sang sản xuất theo yêu cầu và tín hiệu của thị trường.

Nhưng hiện nay, với sự “bùng nổ” của các dự án hạ tầng giao thông, quỹ đất nông nghiệp tại nhiều địa phương đã và đang bị “xé nát” khi giá đất nông nghiệp đang bị “thổi” lên quá cao so với trước. Giá 1 ha đất nông nghiệp tại các địa phương “nóng” như H.Long Thành, H.Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh… hiện nay đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Thậm chí, tại các huyện vùng xa như H.Tân Phú hay H.Định Quán, giá 1 ha đất nông nghiệp cũng đã tăng cả chục lần, hiện đã ở mức từ 5-20 tỷ đồng/ha tùy vị trí.

Nếu đặt mình ở vị trí người nông dân, liệu ai sẽ tiếp tục giữ gìn mảnh vườn, mảnh rẫy để “thu bạc cắc” theo từng mùa một cách bấp bênh, thay vì tách thửa bán đất lấy tiền trang trải cuộc sống? 1 ha đất trồng trọt liệu có đem về được vài tỷ đồng lợi nhuận/năm với kiểu canh tác “trồng chặt - chặt trồng” như lâu nay, trong khi chỉ cần “chẻ nhỏ” dăm sào, người nông dân có thể nắm trong tay hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng?

Một câu hỏi rất khó trả lời dù hệ lụy của việc “xé lẻ” ruộng vườn bán cho người đầu cơ đất là rất lớn, xét về lâu dài. Tuyệt đại đa số người “săn” đất nông nghiệp hiện nay không phải mua đất để làm nông nghiệp. Họ là những người “đầu cơ, sang tay” đất để kiếm lời khi thị trường đang “sốt”, họ là những người kinh tế khá giả ở đô thị tìm vài ba miếng đất “dưỡng già”, họ là những người mua đất để “đón đầu dự án”… Vậy nên chỉ trong một thời gian ngắn, quỹ đất nông nghiệp tại nhiều địa phương trên thực tế đã bị “xé lẻ” rất nhiều.

Xét trên thực tế, trừ một số dự án vi phạm (như lập dự án “ảo” trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái phép…) còn lại hầu như việc tách thửa, bán đất nông nghiệp… của nhiều người ở khu vực nông thôn là đúng luật. Nhiều người mua đất sào, đất mẫu và tuân thủ các quy định về giao dịch đất nông nghiệp.

Do đó, để giữ gìn quỹ đất nông nghiệp đúng mục tiêu lâu dài, có lẽ cần đến những giải pháp vĩ mô hơn. Song trước mắt, có lẽ các giải pháp về minh bạch thông tin quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ việc tách thửa đất nông nghiệp, giữ gìn đất lúa ở những vị trí đặc thù để đảm bảo an ninh lương thực, cảnh báo người dân không "chạy" theo các "cơn sốt" giá ảo… là những giải pháp cần được thực hiện nhanh, kịp thời và thường xuyên nhất.

Về lâu dài, quan điểm giữ hay giảm quỹ đất nông nghiệp có lẽ sẽ thay đổi, uyển chuyển và linh hoạt tùy theo thực tiễn phát triển sôi động của từng địa phương. Song trước mắt và trong tương lai gần, việc tìm hướng giữ gìn quỹ đất nông nghiệp, đảm bảo định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, không để kéo dài tình trạng “loạn” đầu cơ đất nông nghiệp… là điều cần thực hiện.

V.L

Tin xem nhiều