Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng trưởng nhanh phải đi đôi với bền vững

07:04, 20/04/2021

Quý I-2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước.

Quý I-2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh hầu hết mọi ngành sản xuất và cả nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19, kết quả sản xuất, xuất khẩu gỗ như vậy là một tín hiệu rất tích cực. Điều này thể hiện vị thế, vai trò của ngành chế biến Gỗ của Việt Nam đang tăng nhanh hơn trên thương trường quốc tế.

Mặc dù có triển vọng khả quan như vậy nhưng theo đánh giá của các chuyên gia ngành Gỗ và lâm sản Việt Nam, những con số này vẫn ẩn chứa các khía cạnh chưa bền vững.

Trước hết, đó là sự đối mặt với các vụ kiện và gian lận thương mại. Xu hướng các vụ kiện ngày càng phức tạp và gia tăng. Ngay cả đối với thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm 60-70%) thì mặt hàng gỗ dán của chúng ta cũng đang bị Chính phủ nước này điều tra. Việc phát sinh khiếu nại từ các thị trường xuất khẩu lớn sẽ khiến ngành Gỗ Việt Nam bị ảnh hưởng về mặt hình ảnh. Do đó, trong khi tập trung vào các thị trường có tỉ trọng nhập khẩu cao, ngành Gỗ cũng cần phải tính toán đến chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh một khi nảy sinh sự cố, nhất là bị quy kết gian lận thương mại tại thị trường lớn sẽ tác động rất mạnh đến toàn ngành sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) cũng cần chủ động các phương án bán hàng phù hợp với xu thế phát triển công nghệ của thế giới, nhất là thương mại điện tử nhằm giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh, tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng.

Vấn đề thứ 2 là liên kết các hiệp hội, DN sản xuất gỗ của Việt Nam để xây dựng tiêu chí, đích phát triển chung cho ngành Gỗ, nhất là liên kết, hợp tác giữa các DN nội. Việc này nhằm tránh tình trạng mỗi hiệp hội ở các địa phương tham vấn theo một tiêu chí khác nhau. Sự hợp tác còn hết sức cần thiết bởi giá trị xuất khẩu gỗ cao nhưng trong đó, tỉ trọng phần lớn lại đến từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài, từ 60-70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Các DN nước ngoài tiếp cận, ứng dụng khá nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, DN trong nước đa phần quy mô nhỏ và vừa, chỉ có một số ít đơn vị có thể xây dựng được thương hiệu, sản phẩm riêng để xuất khẩu trực tiếp, phần lớn còn lại chủ yếu làm gia công cho các thương hiệu quốc tế. Về lâu dài, nếu không chú ý sẽ dẫn đến sức sáng tạo, khả năng làm chủ các yếu tố cốt lõi như kỹ thuật thiết kế, công nghệ chế biến sẽ không cao.

Cùng với các yếu tố trên, ngành Gỗ cần phải chú trọng hơn nữa nguồn nguyên liệu gỗ nội địa và thị trường trong nước tương đối lớn với dân số xấp xỉ 100 triệu người. Thị trường 100 triệu dân, sức mua ngày càng gia tăng là cơ sở để các DN xây dựng thương hiệu, gia tăng năng lực đáp ứng trước khi tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Song song đó, xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước có chỉ số quản lý rừng bền vững và gỗ nhập khẩu hợp pháp là yếu tố tiên quyết trong sản xuất, chế biến gỗ bởi đây là yêu cầu bắt buộc đối với xuất khẩu.

V.L

Tin xem nhiều