Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

10:04, 04/04/2021

Đồng Nai có nhiều khu vực có nguồn lợi thủy sản phong phú như: hồ Trị An, rừng ngập mặn (thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch), hệ thống các sông, đặc biệt là hạ nguồn sông Đồng Nai...

Đồng Nai có nhiều khu vực có nguồn lợi thủy sản phong phú như: hồ Trị An, rừng ngập mặn (thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch), hệ thống các sông, đặc biệt là hạ nguồn sông Đồng Nai...

Nhiều năm qua, tình trạng đánh bắt, khai thác theo kiểu tận diệt nguồn thủy sản trên địa bàn Đồng Nai, đặc biệt trên hồ Trị An rất đáng báo động vì đây là nguyên nhân làm tận diệt nhiều loài thủy sản, phá vỡ đa dạng sinh học.

Đây cũng là vấn nạn chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo đó, từ cuối năm 2018, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 19 về việc hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với nhiều nghề, ngư cụ bị cấm sử dụng. Tại Đồng Nai, các nghề te, nghề đáy, nghề lồng xếp, nghề đăng và tất cả các ngư cụ có sử dụng điện… được đưa vào danh mục cấm và sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021.

Cụ thể, việc dùng xung điện để đánh bắt thủy sản sẽ phá vỡ đa dạng sinh học và hủy diệt các loài thủy sản vì những khu vực bị dùng xung điện để đánh bắt thủy sản, từ cá lớn đến cá bé đều bị chết. Nếu sử dụng trên diện rộng, nhiều loài thủy sản quý hiếm sẽ tuyệt chủng, phá vỡ hệ đa dạng sinh học trên lòng hồ Trị An. Đăng chắn là hình thức dùng lưới mắt nhỏ quây thành vùng rộng từ 10-100ha ven hồ để cá vào sinh sản, khi cá vào sẽ đánh bắt cả cá mẹ lẫn cá con. Đóng chà là loại đánh bắt thủy sản do một số người dân tự chế bằng cách dùng các cây tre đóng xuống hồ với khoảng cách 2-3m/cây và quây thành khu vực rộng khoảng 200-400m. Sau khi đóng chà, họ sẽ cho mồi nhử các loại thủy sản vào, khoảng 10-15 ngày sẽ dùng lưới bao kín xung quanh đáy và đánh bắt. Loại lưới dùng cho cách đánh bắt này có mắt lưới rất nhỏ, cá to, cá nhỏ đã lọt vào thì không thể thoát ra. Te là ngư cụ đánh bắt chủ động dùng để khai thác thủy sản ven bờ. Ngư cụ này gây tác hại lớn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ, làm cạn kiệt nhiều loại cá con kinh tế.

Chính những ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An hợp đồng với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã nhiều lần “kêu cứu” vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khai thác tận diệt nguồn thủy sản. Bản thân những ngư dân cũng gặp nguy hiểm vì đóng chà bằng tre, sau một thời gian sẽ mục, đổ gãy trôi trên hồ gây nguy hiểm cho các thuyền chài đánh bắt thủy sản và trôi vào các bè nuôi cá làm hỏng lưới. Việc đặt đăng chắn ở khu vực ven hồ Trị An cũng rất nguy hiểm cho tính mạng ngư dân, vì vào mùa mưa khi xuất hiện dông lốc, mưa lớn, ghe của ngư dân dễ bị vướng lưới quây cao sát mặt hồ, không thể vào bờ.          

Làm việc về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã nhiều lần cảnh báo về những tác hại và hệ lụy khôn lường của nạn khai thác tận diệt thủy sản và yêu cầu chính quyền các địa phương, nhất là các lực lượng chức năng có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý vi phạm làm nghề cấm; đặc biệt là tình trạng khai thác thủy sản bằng dụng cụ xung điện mang tính chất tận diệt còn rất phổ biến hiện nay.   

V.L

Tin xem nhiều