Báo Đồng Nai điện tử
En

Để sinh viên trung cấp, cao đẳng sư phạm không rơi vào ngõ cụt

08:01, 14/01/2021

Sinh viên tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng sư phạm sẽ bị thất nghiệp là điều đã được thấy rõ, trước khi Luật Giáo dục năm 2019 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020. Điều 72 của luật nêu rõ chuẩn trình độ của giáo viên như sau:

Sinh viên tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng sư phạm sẽ bị thất nghiệp là điều đã được thấy rõ, trước khi Luật Giáo dục năm 2019 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020. Điều 72 của luật nêu rõ chuẩn trình độ của giáo viên như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm...

Thời điểm Luật Giáo dục năm 2019 sửa đổi có hiệu lực cũng là lúc nhiều sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng vẫn đang được đào tạo trong các trường sư phạm. Điều này không chỉ xảy ra tại Đồng Nai mà là thực tế trên cả nước. Sinh viên không thể đoán trước được chính sách để “đi tắt đón đầu”; cũng chưa có đủ thông tin, bản lĩnh, tầm nhìn để từ bỏ ngành đang học để tìm một cơ hội khác. Các trường sư phạm không thể ngưng việc đào tạo trong khi sinh viên đang còn ngồi học trên giảng đường. Còn các phòng GD-ĐT, nơi trực tiếp tuyển dụng giáo viên thì không thể làm trái luật. Vậy là, sinh viên tốt nghiệp và sắp tốt nghiệp không thể tìm được việc làm, còn ngành Giáo dục thì tiếp tục tình trạng thiếu giáo viên mà không biết tuyển từ nguồn nào để bổ sung. Đó là nghịch lý mà theo phân quyền thì cấp sở, phòng GD-ĐT không thể giải quyết được.

Trong khi lộ trình thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 sửa đổi đã được biết trước, những năm trước, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục giao chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp, cao đẳng sư phạm cho các trường có đào tạo ngành sư phạm trên cả nước. Như vậy, khi các sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng sư phạm hăm hở cắp sách đến giảng đường cũng đồng nghĩa với việc họ đang đi vào ngõ cụt. Mặt khác, ngân sách nhà nước bị lãng phí khi phải bỏ ra chi phí đào tạo sinh viên nhưng lại không sử dụng.

Trong vấn đề này, rõ ràng trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GD-ĐT. Bởi đây là cơ quan tham mưu, xây dựng Luật Giáo dục năm 2019 sửa đổi và các quy định hiện hành có liên quan. Đồng thời, Bộ là đơn vị chủ động phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm cho các trường sư phạm.

Ở góc độ khác, sau khi Luật Giáo dục năm 2019 sửa đổi có hiệu lực, hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước thuộc diện phải học nâng cao trình độ để đạt chuẩn mới. Ngày 30-6-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, nhưng lại không đề cập đến đối tượng giáo viên tuyển dụng mới. Nghị định nêu cụ thể các quy định về đào tạo nâng chuẩn giáo viên, chỉ có điều không hề nhắc đến đối tượng sinh viên đã và sắp tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng sư phạm trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, trong khi giáo viên chưa đủ chuẩn vẫn được đào tạo nâng chuẩn thì sinh viên tốt nghiệp và sắp tốt nghiệp không có cơ hội được tuyển dụng.

Trước thực tế này, các trường có đào tạo sư phạm và các sở GD-ĐT, trong đó có Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ có hướng dẫn, mở lối cho việc tuyển dụng nốt số sinh viên trung cấp, cao đẳng sư phạm đã được đào tạo theo chỉ tiêu mà tuyển sinh hằng năm của Bộ GD-ĐT.

Các hướng giải quyết vấn đề này là cho học viên, sinh viên trung cấp, cao đẳng sư phạm được học nâng chuẩn ngay trong thời gian đào tạo tại trường sư phạm để đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 khi tốt nghiệp; hoặc là Bộ Nội vụ cho phép các địa phương tuyển dụng số sinh viên này, sau đó mới thực hiện nâng chuẩn theo lộ trình theo quy định của Nghị định 71.

Có thể nói, đây là 2 cách giải quyết vừa thấu tình đạt lý, vừa tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Bản thân các sinh viên sư phạm và các sở, phòng GD-ĐT và chính phụ huynh học sinh cũng rất mong mỏi. Bởi lẽ, nếu không tuyển dụng đủ giáo viên thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.    

  H.Y

Tin xem nhiều