Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để 'lọt' trách nhiệm

09:09, 22/09/2020

Chỉ sau một cơn mưa, người phụ nữ ở xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất đã mất tích mà nguyên nhân là do đường ngập, cống thoát nước không có nắp đậy. Vụ việc xảy ra khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa. Một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của những miệng cống hở thiếu các biện pháp bảo vệ an toàn.

Chỉ sau một cơn mưa, người phụ nữ ở xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất đã mất tích mà nguyên nhân là do đường ngập, cống thoát nước không có nắp đậy. Vụ việc xảy ra khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa. Một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của những miệng cống hở thiếu các biện pháp bảo vệ an toàn.

Mương nước trên đường Đức Huy - Thanh Bình (đoạn qua ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) nơi bà Trần Thị Mừng gặp nạn. Ảnh: T.Hải
Mương nước trên đường Đức Huy - Thanh Bình (đoạn qua ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) nơi bà Trần Thị Mừng gặp nạn. Ảnh: T.Hải

Thực tế lâu nay, từ các tuyến quốc lộ đến những con đường tỉnh nối các huyện, đường liên xã, trước khi tiến hành xây dựng đều được các cơ quan liên quan lên phương án quy hoạch, thiết kế với hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn và tính thẩm mỹ. Thế nhưng, khi những tuyến đường hoàn thành thì một số đoạn cống không nắp vẫn tồn tại trước thắc mắc của người dân. Những miệng cống thoát nước lại trở thành cái “bẫy” nguy hiểm không chỉ đe dọa tính mạng người đi đường mà còn làm cho người dân sống gần những hố “tử thần” lúc nào cũng thấp thỏm, bất an.

Trở lại những vụ việc đau lòng vừa xảy ra trên địa bàn xã Gia Tân 1, lãnh đạo Phòng Kinh tế - hạ tầng H.Thống Nhất lý giải, theo quy hoạch được phê duyệt tuyến đường Đức Huy - Thanh Bình có chiều rộng 34m. Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn nên đến nay mặt đường hiện chỉ có 7m, hai bên có 2 hệ thống mương thoát nước hở. Việc sửa chữa, nâng cấp mặt đường nhằm đảm bảo mương thoát nước kín nếu được thực hiện kịp thời thì vụ việc đau lòng trên sẽ không xảy ra.

Không riêng gì vụ việc này mà thời gian qua, báo chí đã thông tin về tình trạng các công trình về giao thông đang thi công không có hành lang, thiếu các rào chắn cảnh báo nguy hiểm cho người dân. Có thể khẳng định, trách nhiệm của việc thiếu an toàn công trình cầu đường trước hết thuộc về chính đơn vị thi công và chủ đầu tư, nhưng cơ quan quản lý về mặt chuyên môn cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Từ thực tế này, vấn đề được đặt ra đó chính là cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong quản lý, vận hành đường bộ. Khi tai nạn xảy ra, cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc, xác định rõ những sai phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn để xử lý nghiêm. Đối với những công trình đang trong giai đoạn thi công chưa hoàn tất thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, đơn vị quản lý thi công công trình. Nếu công trình đã được bàn giao cho địa phương thì trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý hoạt động xây dựng cũng như chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc.

Rõ ràng, sự ràng buộc của những đơn vị liên quan, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý, đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng lẫn công tác duy tu, bảo trì công trình hạ tầng giao thông.

Hải Dương

Tin xem nhiều