Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc cách mạng của tình dân tộc, nghĩa đồng bào

09:08, 18/08/2020

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Nhân dân ta trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta, đã rửa được nỗi nhục mất nước cho bao lớp cha anh suốt hàng trăm năm nối nhau vào tù, ra pháp trường nhưng vẫn không thể hoàn thành tâm nguyện.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Nhân dân ta trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta, đã rửa được nỗi nhục mất nước cho bao lớp cha anh suốt hàng trăm năm nối nhau vào tù, ra pháp trường nhưng vẫn không thể hoàn thành tâm nguyện. Thành công của Cách mạng Tháng Tám và sau đó là sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cột mốc vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh đất nước, dân tộc và số phận của đại bộ phận Nhân dân. Đó là cuộc cách mạng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, của tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Kể từ khi người Pháp đô hộ Việt Nam, chúng ta mất nước, không chỉ mất chủ quyền mà tên nước cũng không còn. Đất nước Việt Nam bị chia thành 3 kỳ với 3 tên gọi khác nhau. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, với chính sách nhổ lúa trồng đay của phát xít Nhật, hơn 2 triệu người Việt Nam đã chết đói. Có lẽ những khổ đau, tủi nhục ấy đã chất chứa trong lòng bao thế hệ người Việt suốt nhiều năm và nó chỉ chờ dịp được bùng lên mạnh mẽ.

Trong mỗi người Việt Nam chân chính đều chảy dòng máu yêu nước do tổ tiên truyền đời. Tinh thần yêu nước ấy tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam để rồi khi có dịp là thổi bùng lên. Dòng máu nóng yêu nước sục sôi ấy sẽ kết thành tinh thần, sức mạnh khi được khơi gợi đúng lúc. Có lẽ vì vậy mà ít có cuộc cách mạng nào quy tụ được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia như cuộc Cách mạng Tháng Tám, bởi trong cuộc cách mạng vĩ đại này có mặt hầu như tất cả các giới đồng bào từ những quan lại cao cấp của triều đình đến những nhân sĩ, trí thức, những đại điền chủ giàu có, các nhà tư sản dân tộc đến các tầng lớp Nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào đã thức tỉnh nhiều quan lại, trí thức lớn để họ quyết định gia nhập đội ngũ của Nhân dân. Khâm sai đại thần Bắc bộ của chính phủ Trần Trọng Kim là cụ Phan Kế Toại, trước khi rời nhiệm sở đã căn dặn những người lính dưới quyền không được nổ súng nếu Việt Minh vào tiếp quản phủ Khâm sai. Vậy nên, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã diễn ra hầu như trong trật tự. Ở Sài Gòn, hàng trăm ngàn thanh niên thuộc lực lượng Thanh niên Tiền phong của Chính phủ Trần Trọng Kim đã nghe theo vị thủ lĩnh tối cao của phong trào, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ngả về phía Nhân dân, phía cách mạng. Nhờ sự ủng hộ to lớn ấy của một lực lượng hùng hậu mà quân đội Nhật ở Sài Gòn khi ấy dù vẫn còn rất đông đã không dám chống cự và hoàn toàn thúc thủ. Rất nhiều các gia đình giàu có, các đại điền chủ, các nhà tư sản yêu nước đã cùng nhau đóng góp cho cách mạng vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Vua Bảo Đại, dù quân Nhật đề nghị nhưng đã thức thời không cho nổ súng đàn áp Nhân dân. Ngài đã nhanh chóng thoái vị để trao quyền lại cho Việt Minh với tuyên bố nổi tiếng: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ”. Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã nhanh chóng tự nguyện rút lui để nhường quyền lãnh đạo cho lực lượng mà họ cho rằng sẽ tốt hơn: Mặt trận Việt Minh. Sau này, nhiều thành viên Chính phủ, chính quyền Trần Trọng Kim đã tham gia vào bộ máy chính quyền do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo.

Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tất nhiên là thành quả của gần 80 năm đấu tranh xương máu của các thế hệ người Việt Nam, nhất là 15 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người cộng sản. Cả 4 Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam vì yêu nước, chống thực dân, đế quốc mà đều bị bắt, tù đày và hy sinh. Thế nhưng, chắc chắn một điều, cuộc cách mạng này sẽ không thể thành công nhanh chóng nếu không có sức mạnh đại đoàn kết vĩ đại từ tình dân tộc, nghĩa đồng bào của đại bộ phận Nhân dân. Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy chỉ có hơn 5 ngàn đảng viên, trong đó có rất nhiều đảng viên vẫn còn ở trong các nhà tù của thực dân, đế quốc. Nếu kể từ khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra đêm 13-8 cho đến khi khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn ngày 25-8, thì thời gian đó là 12 ngày. Nếu không có sự ủng hộ của Nhân dân, không quy tụ được sức mạnh vĩ đại của Nhân dân làm sao có thể thành công nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Đó là sự dấn thân và hy sinh không cần tính toán đong đếm của các thế hệ người Việt Nam khi ấy chứ hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng “ăn may” như các luận điệu xuyên tạc. Đánh giá về lịch sử, về cha ông không thể lấy hệ quy chiếu của hôm nay, thực tiễn cuộc Cách mạng Tháng Tám đã nói lên tất cả.

Khi cuộc Cách mạng Tháng Tám nổ ra là lúc mà tiềm lực của đất nước và Nhân dân hầu như kiệt quệ. Kiệt quệ bởi trước đó không lâu, gần 2 triệu đồng bào vừa chết đói trong nạn đói kinh hoàng do những kẻ xâm lược gây ra. Ấy vậy mà, khi lệnh tổng khởi nghĩa do Việt Minh ban ra ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của đồng bào cả nước. Rõ ràng, khi lợi ích quốc gia, dân tộc được đề cao sẽ được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Rõ ràng, khi những nhà lãnh đạo thật sự vì dân, vì nước, Nhân dân sẽ ủng hộ, tin tưởng và đi theo. Khi lực lượng lãnh đạo mà trái tim, khối óc hòa cùng nhịp đập và suy nghĩ trong niềm vui và nỗi đau của dân tộc mình chắc chắn sẽ được Nhân dân ủng hộ. Cũng vậy, khi nào lực lượng lãnh đạo bắt trúng nhu cầu, khơi trúng mạch nguồn sẽ khơi dậy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết của các tầng lớp Nhân dân. Và, chúng ta đang rất cần một tinh thần của Cách mạng Tháng Tám cho hôm nay.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều