Báo Đồng Nai điện tử
En

Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác tuyên truyền

08:07, 31/07/2020

Trong suốt hành trình từ "người đi tìm đường" trở thành "người dẫn đường" cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành nhiều công sức, trí tuệ và sự quan tâm đến công tác tuyên truyền cách mạng. Người xem đó là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng.

Trong suốt hành trình từ “người đi tìm đường” trở thành “người dẫn đường” cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành nhiều công sức, trí tuệ và sự quan tâm đến công tác tuyên truyền cách mạng. Người xem đó là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông. Phải có quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tròn nhiệm vụ”; “Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân. Mọi người quyết tâm làm cho được và tin tưởng làm nhất định được”. Mỗi lần về thăm các nhà máy, công trường, hợp tác xã, Bác Hồ luôn nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên, nhân viên: “Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng”.

Trên cơ sở quy luật của công tác tư tưởng, Người đã trù liệu hệ quả khi đảng viên chưa thông suốt tư tưởng sẽ dẫn tới những biến dạng khôn lường: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”. Vì vậy, Người mong muốn làm sao tư tưởng tiên tiến, tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải trở thành chủ đạo, trường tồn cùng với Đảng, với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người khẳng định: “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc làm đều tốt. Phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng cá nhân hoàn toàn thất bại”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, cách nói, cách viết phải ngắn gọn, bởi lẽ “người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu”, cho nên “viết ngắn từng nào tốt chừng ấy”. Tuy vậy, “ngắn gọn nhưng không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu có đuôi” và “không nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt”. Phù hợp với đối tượng là phải gắn liền với những đối tượng cụ thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kỳ vọng làm sao trong mỗi bài nói, bài viết phải thấu cảm được ý tưởng và mong ước của nhân dân. Người yêu cầu: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”.

Người tuyên truyền phải học cách tuyên truyền của quần chúng. Đó là sự kết hợp của việc học trong sách vở, học trong thực tiễn công tác. Xuất phát từ quan điểm “Dân là gốc của tuyên truyền”, Người cho rằng, cách tuyên truyền phù hợp và có hiệu quả nhất với dân chính là cách tuyên truyền của chính nhân dân. Bằng cách đó, dân dễ hiểu, dễ nhớ nên sẽ tin và sẽ làm theo. Người từng cho rằng: “Cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản. Anh em đi tuyên truyền chưa học được cách nói đó, cho nên khi nói, khi viết khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn nâng cao hiệu quả tuyên truyền thì người tuyên truyền phải là người hiểu biết rộng, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền. Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có vốn sống phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có trình độ văn hóa cao. Người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh và tập hợp quần chúng. Đồng thời, người tuyên truyền phải có vốn sống về thơ ca, nhạc họa thì tác dụng và hiệu quả tuyên truyền sẽ là rất lớn.

Tuy Bác đã đi xa, song tư tưởng của Người về công tác tư tưởng, về cán bộ làm công tác tuyên truyền vẫn là hành trang, phương pháp luận quý báu để Đảng ta, đội ngũ làm công tác tuyên truyền vững tin hơn, trí tuệ sắc sảo hơn góp phần hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc và có hiệu quả cao được Đảng đặt niềm tin giao phó.      

Nguyễn Thanh Hoàng

 

Tin xem nhiều