Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ''sân chơi'' trí tuệ cho thanh thiếu niên

08:07, 22/07/2020

Trong những năm gần đây, hàng loạt "sân chơi" trí tuệ nhằm khơi dậy khả năng sáng tạo khoa học, kỹ thuật, công nghệ của học sinh đã được ngành Giáo dục tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. Trong đó, có các cuộc thi như: Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học (ngành Giáo dục tổ chức), Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (Liên hiệp các hội KHKT chủ trì), Ngày hội STEM (một số phòng GD-ĐT tổ chức), Lập trình robot giả định...

Trong những năm gần đây, hàng loạt “sân chơi” trí tuệ nhằm khơi dậy khả năng sáng tạo khoa học, kỹ thuật, công nghệ của học sinh đã được ngành Giáo dục tổ chức hoặc phối hợp tổ chức. Trong đó, có các cuộc thi như: Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học (ngành Giáo dục tổ chức), Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (Liên hiệp các hội KHKT chủ trì), Ngày hội STEM (một số phòng GD-ĐT tổ chức), Lập trình robot giả định...

 Một điều đáng mừng là số lượng, chất lượng của các đề tài, giải pháp tham gia các “sân chơi” KHKT này ngày một tăng. Điển hình như cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Năm 2016, cuộc thi này “mở màn” chỉ có sự tham gia của 5 địa phương trong tỉnh với 69 giải pháp. Đến nay, sau 5 năm tổ chức, cuộc thi đã phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh với hơn 1.300 giải pháp (gấp 19,5 lần năm 2016).

Nếu như những cuộc thi khác ở bậc phổ thông thường chú trọng nhiều đến phần lý thuyết thì những “sân chơi” này lại rất đề cao tính thực hành, chú trọng khả năng và quy trình nghiên cứu khoa học. Học sinh đến với những cuộc thi này đều xuất phát từ sự yêu thích khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học, dù đó là lĩnh vực thuộc khối khoa học xã hội hay khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật cơ khí…

Nếu như những cuộc thi khác, thí sinh buộc phải làm bài theo một đề thi cố định thì những “sân chơi” này, người ra đề lại chính là học sinh. Các em phải quan sát cuộc sống và tự đưa ra những ý tưởng, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Quá trình từ khi “thai nghén” ý tưởng đến khi đề ra các giải pháp và bắt tay vào thực hiện có khi kéo dài hàng năm trời. Chính điều này đã rèn giũa cho các em cách làm việc khoa học và bồi đắp niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo.

Cũng nhờ quá trình “thai nghén” đó, các nghiên cứu, sáng chế của học sinh mang tính ứng dụng ngày càng cao. Sản phẩm KHKT mà các em mang đến những “sân chơi” này không chỉ thể hiện rõ óc quan sát, sự quan tâm đời sống thực tiễn mà còn cho thấy tinh thần nhân văn của các cô cậu học trò. Từ việc quan sát người khiếm thị, Lê Quang Trí (học sinh Trường THPT Long Khánh) đã thiết kế phần mềm Ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị di chuyển trong các tòa nhà; nhóm học sinh Đỗ Hà Vy - Trần Kim Ngọc Ngân (THPT Nhơn Trạch) thiết kế thiết bị hỗ trợ học sinh mù, khiếm thị lớp 1 học chữ nổi; từ quan sát sự bất tiện của người bệnh, nhóm học sinh Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ và Trường tiểu học Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) đã thiết kế sản phẩm “Giường bệnh thông minh”... Có thể kể tên hàng trăm đề tài mang đậm tính nhân văn như thế.

Không chỉ phát triển mạnh ở khu vực đô thị, sân chơi nghiên cứu KHKT, công nghệ ở các trường học vùng sâu, vùng xa cũng không kém phần sôi nổi.Huyện Tân Phú là địa phương triển khai và đẩy mạnh giáo dục STEM sớm nhất ở Đồng Nai.Năm học 2018-2019, huyện này tổ chức ngày hội STEM cấp huyện với sự tham gia của 17 trường THCS trên địa bàn. Năm học 2019-2020, tuy không thể tổ chức ngày hội cấp huyện do dịch Covid-19 nhưng các trường đều thực hiện hoạt động này.

Một điểm đáng mừng nữa là nhiều phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động “vừa chơi vừa học” này nên rất ủng hộ con em mình tham gia. Thậm chí, họ còn là tác nhân quan trọng để lan tỏa những sân chơi này.

Thành công lớn nhất của những sân chơi nêu trên không chỉ nằm ở số lượng, chất lượng giải pháp dự thi ngày càng tăng mà chính là đã khơi dậy và phát triển đam mê nghiên cứu KHKT, công nghệ trong thế hệ trẻ.Khi đã trở thành đam mê, các em sẽ có sự đầu tư xứng đáng về tâm sức, trí tuệ cho những lĩnh vực này.

Thật vậy, nhiều học sinh ban đầu đến với cuộc thi chỉ với tinh thần học hỏi, thử sức mình.Nhưng những sân chơi kỹ thuật này có sức hút kỳ lạ với các em.Các em liên tiếp tham gia cuộc thi nhiều năm liền rồi quyết định học đại học ở khối ngành liên quan đến những đề tài mà mình đã thực hiện.Với những tiền đề đó, học sinh sẽ có khả năng nghiên cứu, làm việc tốt hơn ở các bậc học trên.

Sự phát triển của các sân chơi KHKT cũng cho thấy công tác nghiên cứu khoa học đang được chú trọng nhiều hơn ở các trường phổ thông; đồng thời chứng tỏ khả năng hướng dẫn học sinh làm quen với công tác nghiên cứu khoa học của giáo viên ngày càng được nâng cao.Đây là một trong những hướng đi đúng đắn để tạo nền tảng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

H.Yến

Tin xem nhiều