Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới công nghệ, xu hướng tất yếu

09:07, 02/07/2020

Ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì hình ảnh những dây chuyền sản xuất trong nhà máy không có công nhân, những nhà máy vắng bóng người không còn quá xa lạ.

Ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì hình ảnh những dây chuyền sản xuất trong nhà máy không có công nhân, những nhà máy vắng bóng người không còn quá xa lạ. Bằng công nghệ, bằng trí tuệ nhân tạo và hàng loạt ứng dụng từ nó, các ngành kinh tế nói chung, từng doanh nhân, doanh nghiệp nói riêng đang đứng trước những chọn lựa khắc nghiệt khi những thay đổi lớn lao về công nghệ diễn ra liên tục trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Nếu không theo kịp xu hướng thì khó tồn tại, nhưng “đua” theo công nghệ thì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực (đôi khi cả thông tin và kiến thức) để thực hiện.

Nhưng dù thế nào thì xu hướng hội nhập, kết nối, chia sẻ của nền kinh tế toàn cầu trong thời hội nhập cũng không để cho bất kỳ doanh nghiệp nào “ngoài cuộc” trong sân chơi về cải tiến công nghệ. Chẳng hạn, làm sao một doanh nghiệp ngành may mặc có thể cạnh tranh khi phải trả lương cho 10 công nhân trong 1 ngày chỉ để làm ra được 100 sản phẩm, trong khi đối thủ trong ngành có thể sản xuất ra 1 ngàn sản phẩm trong cùng thời gian khi áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại và chỉ cần 2 công nhân để vận hành?

Mấu chốt ở đây là đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam không còn gói gọn trong quy mô nội địa, mà từ lâu đã mở rộng ra nhiều quốc gia khác, và vẫn đang tiếp tục mở rộng hơn. Ngay cả việc gia công hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thường xuyên đổi mới công nghệ nhằm cạnh tranh với những doanh nghiệp lành nghề trong ngành gia công ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… để giành được những đơn hàng lớn từ các khách hàng lớn trên thế giới.

Với những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa để bán trên thị trường, đòi hỏi đổi mới càng khắc nghiệt hơn...

Trên thực tế, đầu tư công nghệ mới chưa bao giờ là rẻ. Nguồn vốn có hạn chính là rào cản lớn nhất hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Cải tiến một khâu nào đó trong sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm cũng khiến họ phải “nâng lên đặt xuống” nhiều lần. Thậm chí, số tiền để mua một dây chuyền, một công nghệ, một giải pháp mới nào đó còn vượt quá số vốn điều lệ của doanh nghiệp nên dù rất muốn thay đổi, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để làm.

Hậu quả ở quy mô doanh nghiệp là sản phẩm không đủ sức cạnh tranh, doanh nghiệp không “lớn” nổi, thậm chí không tồn tại được lâu dài. Ở quy mô lớn hơn, thị trường lao động truyền thống có thể bị phá vỡ, hệ thống sản phẩm có hàm lượng công nghệ ít ỏi bị đào thải khỏi thị trường và có thể xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ sản xuất lạc hậu từ các quốc gia khác đến Việt Nam.

Vậy nên dù muốn dù không, doanh nghiệp phải có những đổi thay cho phù hợp với hoàn cảnh, đổi mới công nghệ để hội nhập, tồn tại và phát triển vẫn là một xu hướng lớn mà khó có doanh nghiệp Việt Nam nào có thể đứng ngoài.       

V.L

Tin xem nhiều