Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị sức bật sau đại dịch

08:04, 21/04/2020

Xuyên suốt các hội nghị tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương, doanh nghiệp (DN) trong cả nước trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập khá nhiều đến việc DN phải cùng nhau vượt khó, song đồng thời cũng phải có sự chuẩn bị kỹ càng trong khả năng có thể để có sức "bật dậy" sau đại dịch.

Xuyên suốt các hội nghị tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương, doanh nghiệp (DN) trong cả nước trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập khá nhiều đến việc DN phải cùng nhau vượt khó, song đồng thời cũng phải có sự chuẩn bị kỹ càng trong khả năng có thể để có sức “bật dậy” sau đại dịch.

Đây rõ ràng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, song suy cho cùng lại là giải pháp tốt nhất để có thể nhanh chóng vực dậy nền kinh tế vốn đã chịu nhiều tổn thương sau thời gian dài ưu tiên mọi nguồn lực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Với cộng đồng DN, ngoài những giải pháp cấp bách cần triển khai ngay để tồn tại, còn phải nhanh chóng nhìn nhận, xác định và chuẩn bị đón các cơ hội cho sản xuất, xuất khẩu (và cả cho cạnh tranh lẫn tiêu thụ tại thị trường trong nước) khi sức mua hồi phục sau dịch bệnh.

Một trong những lĩnh vực quan trọng cần có sự chuẩn bị thật tốt để có thể “bật dậy” ngay sau khi dịch bệnh tạm lui chính là xuất khẩu.

Song, xuất khẩu cũng chính là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất khi hàng loạt quốc gia trên toàn cầu tạm “đóng cửa” để tập trung chống dịch. Trong đó có thị trường truyền thống cực kỳ quan trọng của Việt Nam - các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Hiện xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với sự “đứt gãy” về sức mua khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng sang các nước châu Âu. Một vài số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy rõ sự “đứt gãy” đó ảnh hưởng mạnh đến DN Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép sang châu Âu trong quý I-2020 giảm 14,9% (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,2%)...

Điều này hoàn toàn nằm trong dự đoán của cả Chính phủ lẫn cộng đồng DN, ngay khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng tại một số quốc gia châu Âu. Song dự đoán cũng chỉ là dự đoán, bởi đến giờ phút này, sau rất nhiều nỗ lực kiểm soát, nhiều quốc gia châu lục này vẫn đang trong tình thế hết sức khó khăn, nhu cầu và sức mua của đa số các chủng loại hàng hóa đều giảm mạnh.

Mặc dù vậy, giữa tâm dịch, Hội đồng châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và sẽ sớm triển khai các bước tiếp theo để hiệp định này nhanh chóng hiệu lực. Đây sẽ là “cơ hội vàng” cho DN Việt Nam khi dịch bệnh bị đẩy lùi và thị trường hơn 500 triệu dân này hồi phục sức mua. Khi “nút thắt” xuất khẩu vào thị trường châu Âu được tháo dỡ, xuất khẩu nói chung của Việt Nam sẽ có thêm kỳ vọng quay lại đà phát triển như thời gian trước khi dịch bệnh xảy ra. Chính phủ hiện đang rốt ráo khuyến khích, gỡ khó, trợ lực cho cộng đồng DN để có những kịch bản và phương án tốt nhất nhằm tận dụng tốt mọi cơ hội sau dịch bệnh. Vấn đề còn lại là mỗi DN phải nhanh chóng có phương án tối ưu cho riêng mình trong bối cảnh khó khăn.

Một cách dứt khoát và quyết tâm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, các bộ, ngành, địa phương cần đưa được cơ chế, chính sách, giải pháp mạnh mẽ đúng, trúng và triển khai quyết liệt để giải quyết khó khăn, nắm bắt mọi cơ hội, thúc đẩy nền kinh tế hồi phục đà tăng trưởng, “như cái lò xo bị nén” bật mạnh ra để đuổi kịp thời gian.  

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều