Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm ''thời cơ'' trong gian khó

08:03, 23/03/2020

Diễn biến ngày càng "nóng" lên của đại dịch toàn cầu Covid-19 tại nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển vào bậc nhất thế giới (chẳng hạn Hoa Kỳ và các nước châu Âu) đang khiến tất cả các quốc gia trên thế giới hồi hộp dõi theo.

Diễn biến ngày càng “nóng” lên của đại dịch toàn cầu Covid-19 tại nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển vào bậc nhất thế giới (chẳng hạn Hoa Kỳ và các nước châu Âu) đang khiến tất cả các quốc gia trên thế giới hồi hộp dõi theo. Toàn cầu hóa đã không đặt bất cứ một quốc gia nào ở ngoài cuộc trong đại dịch lần này và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Cùng với những biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ trong việc ngăn chặn tốc độ lây lan và số lượng người nhiễm bệnh, hầu hết các ngành kinh tế Việt Nam đều đang “gồng” mình chịu đựng chờ dịch bệnh qua đi. Trừ một số ngành nghề đặc trưng (chẳng hạn sản xuất dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, thiết bị y tế, các nhu yếu phẩm…) được cho là “tìm thấy” cơ hội phát triển ngay trong đại dịch, còn lại gần như tất cả doanh nghiệp (DN) đều lâm vào khó khăn không ít thì nhiều, thậm chí rất khó khăn.

Thực tế là, đến nay vẫn chưa có cơ sở nào đủ thuyết phục để dự đoán dịch Covid-19 sẽ kéo dài trong bao lâu, 1 tháng, 10 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn nữa? Tuy nhiên, những áp lực, khó khăn rất cụ thể và đầy thách thức của giới DN lại đang hiển thị từng ngày. Đó là tiền lương công nhân viên, chi phí thuê nhà xưởng, mặt bằng, lãi suất ngân hàng, cùng hàng loạt các loại chi phí tối thiểu khác để duy trì hoạt động của một DN. Trong khi đó, từ bên ngoài, nguồn cung nguyên liệu trồi sụt, nợ xấu tăng (do các đối tác, khách hàng bị khó khăn dây chuyền), hàng không xuất được hoặc ùn ứ tại nhiều thị trường… Tất cả những khó khăn kiểu “nội công, ngoại kích” đã và đang dồn gánh nặng lên vai DN.

Nhiều DN hiện đang cố gắng xoay xở để tồn tại trong thời dịch bệnh. Nhiều cách làm và hướng đi đã được đưa ra: tiết giảm sản xuất, chuyển hướng sang bán hàng trực tuyến thay vì bán trực tiếp, thực hiện chế độ làm việc ở nhà cho nhân viên, tìm hướng tiêu thụ hàng hóa trong nước thay vì xuất khẩu, tìm nguồn cung nguyên liệu khác… Một số DN xem đây là “cơ hội” để “cài đặt” lại hoạt động của DN, tái cơ cấu sản xuất, xem lại nguồn cung nguyên vật liệu, định hướng lại thị trường, thay đổi công nghệ, thay đổi phương thức bán hàng… Tóm lại, với nhiều DN, đây là phép thử, hoặc là một khoảng thời gian “tạm dừng” để tái cơ cấu lại chính mình, chờ đại dịch qua đi để quay lại hoạt động bình thường với một tâm thế mới. Song không ít DN “yếu” hơn có thể sẽ sớm rời khỏi thị trường.

Lâu nay, “sức khỏe” DN được xem như “hàn thử biểu” của nền kinh tế, DN yếu thì cả nền kinh tế khó mà mạnh được. Vậy nên, việc Chính phủ nhanh chóng bắt tay ngay vào xây dựng và áp dụng các gói chính sách hỗ trợ DN một cách cấp kỳ được xem là bước đi kịp thời và hợp lý. Làm thế nào để thực sự đồng hành với DN, để DN có thể xoay xở vượt qua khó khăn và hỗ trợ ngược lại cho đất nước mới là hướng đi đúng đắn, lâu dài. Tuy nhiên, có tìm thấy “thời cơ” trong gian khó hay không, còn phụ thuộc khá nhiều vào nội lực của từng DN.      

Vi Lâm

Tin xem nhiều