Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp giàu, đất nước mạnh

08:03, 16/03/2020

Giữa những nỗi lo lắng ngày càng lớn về thiệt hại mà nền kinh tế đã và đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức gặp gỡ những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt nam để cùng nhau bàn cách vượt qua khó khăn.

Giữa những nỗi lo lắng ngày càng lớn về thiệt hại mà nền kinh tế đã và đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức gặp gỡ những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt nam để cùng nhau bàn cách vượt qua khó khăn.

Ngay sau đó, Tập đoàn Vingroup đã công bố khoản tài trợ 20 tỷ đồng dành riêng cho công tác nghiên cứu chống virus Sars-CoV-2. Ngoài ra, doanh nhân, doanh nghiệp (DN) khắp cả nước cũng đóng góp hàng chục tỷ đồng để giải quyết những nỗi lo cấp bách trong công tác phòng, chống dịch: tài trợ lương thực, thực phẩm cho các khu cách ly; sản xuất và cấp phát thiết bị y tế, khẩu trang miễn phí; sáng chế và tặng các dụng cụ sát khuẩn, dung dịch vệ sinh cho các đơn vị, cơ quan, trường học…

Hơn lúc nào hết, những khi đất nước khó khăn mà đội ngũ DN “khỏe mạnh”, gánh nặng của quốc gia càng nhẹ nhàng hơn. Ngoài các hoạt động hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho những vấn đề cấp bách thì sâu xa hơn, rộng lớn hơn, DN càng vững vàng, nền kinh tế càng nhanh chóng “vượt bão” và phục hồi nhanh hơn sau mỗi lần thử thách.

Chính vì vậy, tạo nên những cơ chế, chính sách, xây dựng hệ sinh thái bền vững cho DN hoạt động và phát triển chính là mục tiêu lớn mà Đảng và Nhà nước đã và đang dày công thực hiện. Trong đó, hướng mạnh vào đội ngũ doanh nhân, DN trong nước nhằm xây dựng được những “cánh chim đầu đàn” cho nền kinh tế Việt Nam.

Xác định kinh tế tư nhân là động lực của phát triển kinh tế, những chính sách, cơ chế tạo nền tảng cho khối kinh tế tư nhân lớn mạnh luôn được cập nhật, thay đổi và là những chính sách có sự chuyển biến nhiều nhất trong những năm qua. Những “điểm sáng” nhiều năm qua cho thấy, đóng góp của khối DN này vào GDP quốc gia ngày càng lớn, càng chứng tỏ sự đúng đắn từ định hướng của Đảng và Nhà nước. Đơn cử, GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 7,02%, chủ yếu vẫn nhờ khu vực kinh tế tư nhân trong nước thông qua các thể chế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ.

Tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng 17%, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 19%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước và cao hơn khu vực đầu tư nước ngoài, cho thấy vai trò và vị trí ngày càng cao của lực lượng DN tư nhân.

Mặc dù vậy, xét trên bình diện chung, cộng đồng DN trong nước vẫn bị nhận xét là “đông, song chưa mạnh”. Không thể phủ nhận, trong số đó, nhiều DN đã lớn mạnh thành các tập đoàn tỷ USD, vươn ra khu vực và toàn cầu, được định giá không thua kém gì những tập đoàn đa quốc gia lâu đời khác. Song, con số đó không nhiều, chủ yếu vẫn là những DN nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động manh mún, thị trường hẹp, vốn mỏng và sức chịu đựng không cao. Vậy nên, làm sao để đổi thay được điều này là điều mà những người xây dựng cơ chế, chính sách cần suy nghĩ. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là đầu tư đúng hướng, “cởi trói” hơn nữa về cơ chế, xây dựng hệ sinh thái mạnh mẽ để “ươm mầm, nuôi sống” và giúp những DN non trẻ phát triển. Có như thế, đội ngũ này mới thực sự mạnh mẽ, thực sự giàu có và trở thành trụ cột cho kinh tế quốc gia.

Vi Lâm

Tin xem nhiều