Báo Đồng Nai điện tử
En

''Cuộc chiến'' không của riêng ai

08:03, 29/03/2020

Những ngày này, nhiều con đường ở TP.Biên Hòa cũng như các thị trấn, thị tứ sầm uất, đông đúc của Đồng Nai vắng vẻ hẳn. Các dịch vụ vui chơi giải trí, làm đẹp, nhà hàng, phòng tập gym, các quán trà sữa, quán bar, phòng karaoke... đều đã đóng cửa theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh.

Những ngày này, nhiều con đường ở TP.Biên Hòa cũng như các thị trấn, thị tứ sầm uất, đông đúc của Đồng Nai vắng vẻ hẳn. Các dịch vụ vui chơi giải trí, làm đẹp, nhà hàng, phòng tập gym, các quán trà sữa, quán bar, phòng karaoke... đều đã đóng cửa theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh. Việt Nam chỉ có “14 ngày vàng” để kiềm chế sự lây lan trên quy mô lớn của đại dịch Covid-19.

Không chỉ các dịch vụ trong danh sách bị yêu cầu đóng cửa bắt buộc mới chấp hành mà các quán ăn, địa điểm kinh doanh ăn uống cũng vắng lặng hẳn vì người dân hạn chế ra ngoài, các quán cà phê cũng chủ động đóng cửa và tạm dừng kinh doanh.  Ngoài những loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, phần lớn cơ sở kinh doanh đều tự giác tạm dừng, chấp nhận những thiệt hại trước mắt về kinh tế để cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch.

Thực ra không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã buộc phải sử dụng biện pháp mạnh là buộc tạm ngưng tất cả các dịch vụ, hàng hóa tập trung đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Chỉ có các siêu thị, nhà thuốc, chợ, cửa hàng xăng dầu… cùng một số ngành nghề trọng yếu khác được hoạt động trong sự giám sát kỹ càng.

Đứng về góc độ kinh doanh và lợi nhuận, không nói sao cho hết những thiệt hại nặng nề mà từng chủ doanh nghiệp đang gánh chịu. Đơn cử, với một quán cà phê tại vị trí trung tâm TP.Biên Hòa có chi phí đầu tư ban đầu trên dưới 10 tỷ đồng thì mỗi tháng, doanh thu sẽ là nguồn tiền duy nhất để trang trải chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, lãi suất ngân hàng, khấu hao trang thiết bị, nguyên vật liệu… và chỉ cần doanh thu giảm hoặc không có doanh thu trong 1 tháng, chủ quán có thể đối mặt với chuyện phá sản vì kinh doanh đòi hỏi dòng tiền phải luân chuyển liên tục.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác kinh doanh dịch vụ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn. Một số có thể chuyển sang hình thức giao hàng tại nhà, song không phải loại hình nào cũng có thể nhanh chóng “chuyển hóa” từ trực tiếp sang trực tuyến. Chưa kể, vì đang cao điểm phòng, chống dịch, nhu cầu của người dân sẽ “co” lại khá lớn, họ cắt giảm hầu hết các nhu cầu bình thường như: làm đẹp, tập thể thao, cắt tóc, xem phim, giải trí… và chỉ còn tiêu dùng ở mức độ tối thiểu, xoay quanh nhu cầu ăn uống, đi lại (nếu bắt buộc), khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác.

Song, điều đáng ghi nhận là đa số các chủ quán, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở… tại TP.Biên Hòa nói riêng và cả tỉnh nói chung đều ý thức được trách nhiệm của mình trong bối cảnh Chính phủ đang cực kỳ căng thẳng tìm mọi cách khống chế dịch bệnh. “Thà thiệt hại về kinh tế còn hơn để lây lan dịch bệnh” là thông điệp mà nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định khi được hỏi. Tinh thần tự nguyện và chia sẻ này thực sự là những điểm sáng trong bối cảnh khá u ám của dịch bệnh.

Dĩ nhiên, đâu đó vẫn còn những người không chấp hành, những người chọn cách “đứng bên lề” một “cuộc chiến” rất quan trọng. Tuy nhiên có thể nói, số lượng này không nhiều và sẽ bị xã hội lên án, bởi khi những người đã và đang trong “tuyến đầu” chống dịch có thể bất chấp tính mạng, bỏ qua sự an toàn của mình và người thân để chiến đấu, thì không có lý do gì họ được phép đặt mình “ngoài lề” cuộc chiến.

Vi Lâm

Tin xem nhiều