Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay giữ gìn môi trường sống

08:03, 15/03/2020

Giữa tâm điểm của đại dịch toàn cầu Covid-19, các tỉnh miền Tây Nam bộ của Việt Nam cũng đang trong tâm điểm của một cuộc chiến khác: hạn mặn đang diễn ra khốc liệt, dự kiến sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng triệu nông dân ở "vựa lúa" quốc gia và gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Giữa tâm điểm của đại dịch toàn cầu Covid-19, các tỉnh miền Tây Nam bộ của Việt Nam cũng đang trong tâm điểm của một cuộc chiến khác: hạn mặn đang diễn ra khốc liệt, dự kiến sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng triệu nông dân ở “vựa lúa” quốc gia và gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

Nhiều tỉnh miền Tây đã công bố tình trạng khẩn cấp và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải trực tiếp đi thực địa để có giải pháp hỗ trợ nhanh.

Một trong những nguyên nhân chính của những thiên tai, như hạn mặn nói trên, là do biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Vậy nên, Chính phủ đã xác định chống (và nỗ lực làm chậm lại) quá trình biến đổi khí hậu chính là một trong những cách để hạn chế sự tác động tiêu cực của thiên tai. Trong đó, làm tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng là nhiệm vụ trọng tâm.

Luật Đa dạng sinh học nêu rõ, bảo tồn đa dạng sinh học là bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.

Rất may mắn khi Đồng Nai là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học khá cao trong khu vực với các khu bảo tồn lớn như Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa hồ Trị An.  Đặc biệt, trong số loài động vật đã ghi nhận tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, có hàng chục loài động vật đặc hữu cho phân vùng địa sinh học Đông Dương và Việt Nam. Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Sớm xác định được tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài động, thực vật và bảo tồn đa dạng sinh học, Đồng Nai đã xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020. Đồng thời, tỉnh triển khai các dự án thành phần thuộc dự án tổng thể về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học, bảo vệ phát triển rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Ngoài ra, tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc săn bắt, khai thác và buôn bán động thực vật quý hiếm, phòng, chống cháy rừng, bảo vệ tốt rừng đầu nguồn xung yếu và rừng phòng hộ…

Cho đến lúc này, Đồng Nai được đánh giá là một trong số ít các địa phương bảo vệ và phát triển rừng rất tốt, thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học với những cách làm quy mô, bài bản, căn cơ. Là một tỉnh phát triển mạnh cả về công nghiệp lẫn nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nên dù muốn hay không, dù ít hay nhiều thì những tác động đến môi trường là khó tránh khỏi. Chính vì vậy, việc giữ gìn môi trường sống trong lành, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng… không chỉ là biện pháp trước mắt mà về lâu dài, đó còn là hướng đi đúng đắn, thể hiện trách nhiệm với tương lai.

Vi Lâm

Tin xem nhiều