Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng dòng vốn ngoại 'chảy' vào chế biến sâu

09:02, 03/02/2020

Những năm gần đây, đầu tư vào nông nghiệp đã trở thành một trong những xu hướng đầu tư mạnh mẽ nhất đối với mọi doanh nghiệp cả trong nước lẫn nước ngoài.

Những năm gần đây, đầu tư vào nông nghiệp đã trở thành một trong những xu hướng đầu tư mạnh mẽ nhất đối với mọi doanh nghiệp cả trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đi tiên phong trong việc “rót” những khoản vốn “khổng lồ” vào nông nghiệp, mà cụ thể là chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón và sau này là trồng trọt - chế biến nông sản trên quy mô lớn.

Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) liên kết đầu tư chế biến thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản
Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) liên kết đầu tư chế biến thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản

Điểm sáng của những dòng vốn FDI vào nông nghiệp không chỉ dừng ở chỗ đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm hay thúc đẩy kinh tế địa phương mà sâu xa hơn, còn góp phần chuyển giao công nghệ, thay đổi tập quán canh tác lẫn chăn nuôi từ truyền thống lên hiện đại và phổ biến các tiêu chuẩn về nông sản của thị trường quốc tế cho nông dân. Thông qua đó, người nông dân “học” được khá nhiều điều, từ canh tác đến bán hàng để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một ví dụ điển hình dễ thấy nhất là các công ty chăn nuôi đa quốc gia đã đầu tư vào ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng từ vài chục năm trước và góp phần thay đổi mạnh mẽ tập quán chăn nuôi của nông dân Việt Nam từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Hoạt động đầu tư theo kiểu hợp tác với nông dân đã dần tạo nên một lớp nông dân mới nhạy bén với thị trường, nhanh chóng học hỏi và áp dụng công nghệ cũng như các giải pháp quản lý mới phù hợp với xu thế. Không ít nông dân sau một thời gian chăn nuôi gia công hợp tác với các doanh nghiệp FDI đã tách ra mở công ty, đầu tư trang trại quy mô lớn và thành “đại gia” trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Tuy nhiên, trong thời đại mới, việc thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp đứng trước một đòi hỏi căn cơ hơn: đó là thu hút vốn đầu tư cho những lĩnh vực mà ngành nông nghiệp (bao gồm cả chăn nuôi lẫn trồng trọt) đang rất cần: đó là chế biến sâu nông sản để giải quyết bài toán đầu ra cho ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm.

Nguyên nhân là sau một thời kỳ dài đẩy mạnh việc tăng năng suất một cách khá thành công, nhiều ngành đang đứng trước nguy cơ tồn hàng, ế hàng khi các thị trường truyền thống gặp khó. Để giải quyết bài toán này thì phát triển chế biến sâu nông sản là hướng đi phù hợp và lâu dài nhất. Tuy nhiên, sau nhiều năm, khâu chế biến của nông nghiệp Việt Nam vẫn bị đánh giá là còn thiếu và yếu so với tiềm năng thực sự. Do đầu tư chế biến đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao, kinh nghiệm thị trường dày dạn… nên việc có những chính sách thu hút doanh nghiệp FDI hướng dòng vốn vào lĩnh vực này là rất cần thiết.

Nhiều chuyên gia đánh giá, quá trình đẩy mạnh năng suất vật nuôi và cây trồng đến một lúc nào đó sẽ bão hòa và việc xuất thô nông sản không đem lại lợi ích lâu dài, vậy nên việc cân nhắc để “nắn” dòng vốn mạnh như vốn FDI vào chế biến được cho là “nước cờ” khôn ngoan mà các ngành, địa phương nên cân nhắc.

Vi Lâm

Tin xem nhiều