Báo Đồng Nai điện tử
En

Ưu tiên chất lượng...

09:12, 23/12/2019

Mục tiêu đưa đội ngũ doanh nghiệp (DN) Việt Nam lên con số 1 triệu vào năm 2020 hiện được đánh giá là gặp nhiều thử thách trên cả 2 phương diện: số lượng và chất lượng.

Mục tiêu đưa đội ngũ doanh nghiệp (DN) Việt Nam lên con số 1 triệu vào năm 2020 hiện được đánh giá là gặp nhiều thử thách trên cả 2 phương diện: số lượng và chất lượng.

Thực tế, nếu chỉ xét về số lượng, chỉ cần điều chỉnh vài chính sách chuyển đổi một cách quyết liệt, chẳng hạn chương trình khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN hoặc “phân bổ” số lượng về các địa phương, là có thể mục tiêu sẽ đạt.

Tuy nhiên, chất lượng thực sự của DN mới là vấn đề cần quan tâm nhất bởi “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nhiều DN song nếu đa phần hoạt động cầm chừng, èo uột, thiếu hiệu quả thì mục tiêu cuối cùng của chương trình là nhằm kiến tạo cộng đồng DN “đông về số lượng, mạnh về chất lượng, phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế của đất nước” sẽ không như mong muốn.

Nhìn vào đội ngũ DN hiện nay, có thể thấy rõ sự phát triển vượt bậc so với 10 hoặc 20 năm trước. Việt Nam đã có những tập đoàn, công ty phát triển mạnh mẽ, ghi tên vào nhóm những DN lớn nhất khu vực về quy mô, doanh thu và có những thương hiệu DN được định giá hàng tỷ USD. Việt Nam cũng lần đầu tiên xuất hiện những tỷ phú USD mà giai đoạn trước chưa từng có. Nhóm các DN nhỏ và vừa cũng ngày một năng động hơn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo được chỗ đứng riêng ở thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, không thể không đề cập đến nỗi lo về chất lượng thực sự của phần đông DN Việt Nam hiện nay. Những thủ tục thông thoáng trong thành lập DN khiến số lượng DN thành lập mới gia tăng nhanh chóng, song số lượng DN thành lập xong và hoạt động không hiệu quả, phải giải thể hoặc ngừng hoạt động cũng không ít. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2018, số DN tạm ngừng hoạt động lên tới hơn 90,6 ngàn, tăng gần 50% so với năm 2017. Ba tháng đầu năm 2019, lại có thêm 30 ngàn DN phải tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng hoạt động chờ giải thể, trong đó hơn 90% là các DN siêu nhỏ, nhỏ với quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những tồn tại cố hữu của DN Việt Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để: vốn ít, thiếu kinh nghiệm thị trường, năng lực có hạn, tính cạnh tranh yếu, hội nhập thụ động…

Về môi trường hoạt động, dù Chính phủ đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính… song phải thừa nhận, những động thái này vẫn chưa tương xứng với những đổi thay lớn lao của thị trường, thời cuộc trong thời đại hội nhập hiện nay. Trong đó, làm tốt khâu thành lập DN chưa đủ, mà cần phải có những chính sách thiết thực hơn nữa, “sát sườn” hơn nữa nhằm hỗ trợ DN duy trì hoạt động, phát triển, cạnh tranh, lớn mạnh… bởi môi trường hoạt động của DN Việt Nam hiện nay không còn gói gọn trong quy mô quốc gia hay khu vực nữa mà buộc phải cạnh tranh với rất nhiều DN quốc tế dạn dày kinh nghiệm đến từ khắp nơi trên thế giới. Vậy nên, con số 1 triệu DN có thể đạt, có thể không, song cần có những chính sách lâu dài để thực sự nâng chất lượng cho đội ngũ DN Việt Nam trong thời gian tới.     

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều