Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi, sáng tạo vì học trò

10:12, 01/12/2019

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối tượng áp dụng đầu tiên là lớp 1 của bậc tiểu học và theo lộ trình, đến năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối tượng áp dụng đầu tiên là lớp 1 của bậc tiểu học và theo lộ trình, đến năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới (bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục), Bộ GD-ĐT đã mời các chuyên gia hàng đầu tham gia biên soạn, chỉnh lý và thẩm định nội dung các môn học. GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong buổi họp báo giới thiệu chương trình đã khẳng định: “Chương trình được thực hiện theo hướng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, kế thừa chương trình hiện hành và tiếp thu những cái mới của thế giới. Chúng tôi đầy tự tin chương trình này sẽ có một sức sống lâu dài”.

Đánh giá của các giáo viên tiểu học khi tham dự tập huấn giáo viên cốt cán về chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy, phần lớn đều rất đồng tình và mong đợi chương trình được triển khai. Trong đó, yếu tố để giáo viên cảm thấy thích thú nhất trong chương trình chính là việc mình được “cởi trói” khỏi các quy định về giáo án, bài giảng theo lối mòn mà sẽ được dạy học theo chuẩn năng lực, phẩm chất của người học. Yếu tố sáng tạo, đổi mới trong mỗi bài giảng được xem trọng, tạo cảm hứng cả cho người dạy lẫn người học.

Một thay đổi nữa cũng rất được trông đợi, đó là việc mỗi địa phương có quyền lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp và mỗi môn học lại có những bộ sách khác nhau. Bộ GD-ĐT cũng đã công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời hướng dẫn các địa phương lựa chọn sách sao cho phát huy được hiệu quả của từng môn học. Điều này cho thấy, Bộ GD-ĐT đã trao quyền chủ động cho các địa phương cũng như tạo điều kiện để giáo viên có sự linh hoạt thực hiện các phương pháp giảng dạy mà không bị bó hẹp trong một khung nhất định.

Những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông mới là thấy rõ, tuy nhiên để đi vào triển khai hiệu quả lại đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính đội ngũ nhà giáo và các nhà trường. Chỉ khi đội ngũ này dám thay đổi, chịu thay đổi theo hướng đổi mới, sáng tạo, chương trình mới thực sự phát huy được tính ưu việt của nó. Ngược lại, nếu giáo viên thụ động hay lãnh đạo nhà trường ngại thay đổi, thích an toàn, mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra sẽ khó đạt được như mong muốn.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều