Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức tự đổi mới

08:12, 15/12/2019

Với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có "độ mở" lớn nhất hiện nay.

Với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có “độ mở” lớn nhất hiện nay.

Xét trên bình diện chung, với một nền kinh tế xem trọng vai trò của xuất khẩu hàng hóa như Việt Nam thì rõ ràng, việc Chính phủ tham gia càng nhiều FTA thì cơ hội mở ra cho doanh nghiệp trong nước càng lớn bởi thị trường sẽ ngày càng được rộng hơn với những ưu đãi cụ thể đến từ việc giảm thuế.

Tuy nhiên, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có cạnh tranh được với hàng hóa của các quốc gia khác trong cùng một thị trường xuất khẩu hay không, lại là một vấn đề khác. Rõ ràng, khi cùng tham gia ký kết 1 FTA nào đó thì về lý thuyết, cơ hội sẽ được chia đều cho các quốc gia thành viên bởi sẽ không có một “luật chơi riêng” nào được áp dụng, ít nhất trong khuôn khổ những nước đã cùng nhau bắt tay ký kết.

Dĩ nhiên, sự cân nhắc của Chính phủ trong việc quyết định lựa chọn FTA để tham gia dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, trong đó sẽ ưu tiên lựa chọn những FTA có các điều khoản phù hợp với lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, tránh phải “đối đầu” trực tiếp với qua nhiều ngành hàng là thế mạnh của các quốc gia cùng ký kết. Song nói cho cùng, Chính phủ chỉ có thể kiến tạo nền tảng, vấn đề cốt lõi trong việc tận dụng cơ hội, giảm bớt thách thức đối với từng FTA lại tùy thuộc phần nhiều vào nội lực của từng doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, các FTA cũng sẽ tạo cơ hội rất lớn cho hàng hóa ngoại nhập vào thị trường nội địa thông qua các chính sách giảm thuế mạnh mẽ. Điều này đặt một sức ép cạnh tranh không hề nhỏ lên các doanh nghiệp trong nước ngay tại “sân nhà”. Nếu không sớm có đối sách, doanh nghiệp Việt sẽ cùng lúc chịu 2 sức ép cạnh tranh cả ở thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu, đặc biệt là với những FTA có sức ảnh hưởng lớn như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các FTA chính là thách thức tự đổi mới. Sự tự đổi mới này phải đến từ nhiều phương diện: thông tin, tư duy, công nghệ, giá thành, năng suất… Ở thời điểm hiện tại, thách thức trước mắt lại xuất phát từ sự hiểu biết và nhận thức của doanh nghiệp về FTA còn hạn chế. Nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về các FTA thế hệ mới và đang đặt mình ở thế bị động, thay vì ở tư thế chủ động, sẵn sàng bước vào những cuộc cạnh tranh mới mẻ.

Vi Lâm

Tin xem nhiều