Báo Đồng Nai điện tử
En

Để 'níu chân' du khách

08:12, 29/12/2019

Phát triển du lịch – vốn được mệnh danh là "công nghiệp không khói" – là định hướng được nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai, hướng tới.

Phát triển du lịch – vốn được mệnh danh là “công nghiệp không khói” – là định hướng được nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai, hướng tới.

Với những lợi thế có sẵn về cảnh quan thiên nhiên, nhiều năm nay, du lịch Đồng Nai được ví von là “công chúa ngủ trong rừng”, nhiều tiềm năng nhưng chưa được “đánh thức”, chưa khai thác đúng mức.

Nếu lấy TP.Biên Hòa làm tâm điểm, nhìn hướng nào, Đồng Nai cũng có những khu vực có thể khai thác du lịch tốt, chuyên nghiệp hơn. Phía Nam có Long Thành, Nhơn Trạch với hệ sinh thái nước lợ và rừng ngập mặn bao phủ; phía Bắc có Trảng Bom, Định Quán, Tân Phú với bạt ngàn rừng nguyên sinh, núi non, thác nước, suối, sông hồ… Ngoài ra, hướng Vĩnh Cửu có làng bưởi Tân Triều, hồ Trị An, rừng nguyên sinh Mã Đà - Phú Lý; hướng TP.Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ cũng không “kém cạnh” gì khi đã có sẵn những ưu đãi thiên nhiên nổi tiếng: núi Gia Lào, hồ Đa Tôn, vùng trái cây Long Khánh… Ngay tại TP.Biên Hòa, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của sản xuất công nghiệp, vẫn được thiên nhiên ưu đãi với Khu du lịch Bửu Long nổi tiếng, chưa kể hệ sinh thái du lịch bám theo dòng sông Đồng Nai như: Cù lao Phố, Cù lao Ba Xê, Cù lao Tân Vạn… Trong tương lai gần, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ còn được xem là đòn bẩy hiệu quả cho du lịch tỉnh nhà.

Chỉ tính riêng hệ sinh thái rừng, Đồng Nai đã nắm trong tay rất nhiều lợi thế trong khai thác du lịch. Tỉnh cũng nhiều lần kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này dựa trên quan điểm khai thác du lịch đi kèm với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và gìn giữ môi trường.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, đã có khá nhiều dự án khu du lịch sinh thái ra đời và đi vào hoạt động, nhiều nơi dần dần xây dựng được thương hiệu và có tên tuổi riêng như KDL Suối Mơ (Tân Phú); Giang Điền (Trảng Bom), Vườn Xoài (TP.Biên Hòa; Bò Cạp Vàng (Nhơn Trạch)… Hiện tại, cũng có một số nhà đầu tư ngoài tỉnh đã đến xin làm dự án du lịch với tổng vốn lên đến cả ngàn tỷ đồng/dự án.

Tuy nhiên, có 2 điều mà du lịch Đồng Nai vẫn chưa cải thiện được nhiều: dịch vụ còn lẻ mẻ, thiếu thốn và các sản phẩm du lịch không nhiều. Trong đó, mảng khách sạn và dịch vụ lưu trú phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách. Mảng sản phẩm du lịch cũng còn rất yếu, chi tiêu tính trên đầu người của du khách khi đến Đồng Nai không cao. Khoảng 3 năm gần đây, lượng du khách đến Đồng Nai tham quan nghỉ dưỡng có mức tăng khả quan hơn, dao động từ 10-12%/năm, song số du khách quay lại cũng không nhiều.

Còn khá nhiều việc phải làm nếu Đồng Nai muốn phát triển mạnh ngành du lịch, trong đó quan trọng nhất vẫn là các chính sách rõ ràng về định hướng phát triển, thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển dịch vụ… Càng làm sớm, du lịch sẽ càng phát triển bền vững và sớm trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là khi công nghiệp sản xuất truyền thống có thể đi vào hướng bão hòa trong tương lai không xa.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều