Báo Đồng Nai điện tử
En

Gánh nặng thiên tai

08:08, 11/08/2019

Chỉ trong một đêm, trận lũ lụt lớn nhất trong vòng 10 năm nay đã nhấn chìm gia sản của nhiều người dân trong vùng "rốn lũ" Tân Phú và Định Quán. Hàng ngàn tấn cá chết, hàng trăm hécta lúa, hoa màu, cây ăn trái... bị ngập và thiệt hại nặng nề.

Chỉ trong một đêm, trận lũ lụt lớn nhất trong vòng 10 năm nay đã nhấn chìm gia sản của nhiều người dân trong vùng “rốn lũ” Tân Phú và Định Quán. Hàng ngàn tấn cá chết, hàng trăm hécta lúa, hoa màu, cây ăn trái... bị ngập và thiệt hại nặng nề.

Năm 2019 chỉ mới vừa bước qua trung tuần tháng 8 nhưng đã bị đánh giá là một năm “dữ” với nông dân Đồng Nai khi mới tháng 5 vừa qua, cả ngàn tấn cá bè trên sông La Ngà bị chết, dịch tả heo châu Phi (ASF) cũng đang hoành hành dữ dội với tổng số heo nhiễm bệnh và phải tiêu hủy lên đến khoảng 213 ngàn con. Chưa kể, dịch hại cây trồng cũng đang diễn ra khốc liệt, nặng nề như: dịch sâu keo mùa thu, dịch khảm lá mì… Tất cả như đang tước đi hy vọng của hàng ngàn nông dân và đặt không ít người trong số họ trước nguy cơ thua lỗ, nợ nần và phá sản.

Mặc dù có quy định người dân sẽ được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra từ ngân sách, song những sự cố dồn dập đã khiến Đồng Nai đứng trước nguy cơ “vỡ quỹ” phòng, chống thiên tai. Chẳng hạn đến nay, tổng số heo bị tiêu hủy do dịch ASF trên địa bàn tỉnh đã lên đến khoảng 213 ngàn con (chiếm trên 11,5% tổng đàn). Dự kiến tổng số tiền chi hỗ trợ số heo đã tiêu hủy đến thời điểm này khoảng 359 tỷ đồng. Trong khi đó, dự phòng ngân sách của các địa phương chỉ có khoảng 130 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê ban đầu của UBND huyện Định Quán, toàn huyện đã bị thiệt hại trên 220 tỷ đồng do mưa lũ, cụ thể, 5 ngàn tấn cá bè chết hoặc trôi ra sông; khoảng 250 hécta cây trồng bị ngập úng. Huyện Tân Phú chưa có thống kê về số tiền thiệt hại, song dự kiến con số cũng không hề thấp.

Ngân sách khó khăn, nhưng chắc hẳn sự chia sẻ với người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Theo Sở Tài chính, hiện kinh phí dự phòng của tỉnh cũng chỉ còn 192 tỷ đồng, không đủ nguồn chi. Với riêng dịch ASF, trên cơ sở rà soát con số dự ước hỗ trợ dịch ASF tại các địa phương, Sở Tài chính sẽ đề nghị Bộ Tài chính cấp cho Đồng Nai khoảng 800 tỷ đồng chi cho công tác xử lý dịch ASF và hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại. Các huyện cũng đang nhanh chóng hoàn tất thống kê thiệt hại sau cơn lũ để có phương án hỗ trợ hợp lý cho người dân.

Có rất nhiều việc phải làm sau lũ, trong đó có việc xác định rõ nguyên nhân dẫn đến cơn lũ vừa qua thực sự là do thiên tai hay do sự cố từ thủy điện. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, những gánh nặng hậu quả từ thiên tai đều cần đến sự chung tay của toàn xã hội, cần đến cả nghị lực gầy dựng lại của người dân sau mất mát.

Vi Lâm

Tin xem nhiều