Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuân thủ pháp luật lao động

09:06, 10/06/2019

Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu ASEAN và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ (chiếm khoảng 6% thị trường gỗ toàn cầu). Theo Chánh thanh tra Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Tiến Tùng, cả nước hiện có hơn 4,5 ngàn doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, thu hút khoảng 500 ngàn công nhân lao động.

Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu ASEAN và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ (chiếm khoảng 6% thị trường gỗ toàn cầu). Theo Chánh thanh tra Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Tiến Tùng, cả nước hiện có hơn 4,5 ngàn doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, thu hút khoảng 500 ngàn công nhân lao động. Trong đó, số doanh nghiệp chế biến gỗ nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93%, doanh nghiệp vừa chiếm 5,5% và doanh nghiệp lớn chiếm 1,5%.

Thống kê của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam vào cuối năm 2017 cho thấy, lao động trong ngành gỗ có khoảng 10% đạt trình độ đại học trở lên, 45-50% lao động thường xuyên được đào tạo, còn lại là lao động giản đơn theo mùa vụ. Lợi dụng sự dễ dãi, ít hiểu biết pháp luật của người lao động, nhiều doanh nghiệp chuyên ngành gỗ đã vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến việc sử dụng lao động. Trong đó, sai phạm dễ thấy nhất là không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tổ chức làm thêm giờ vượt quá quy định; không quan trắc môi trường; không trang bị phương tiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động…

Chỉ từ tháng 12-2018 đến nay, qua thanh tra tại 30 doanh nghiệp chuyên ngành gỗ ở Đồng Nai, đã có trên 70% số doanh nghiệp vi phạm và bị xử phạt hành chính liên quan đến sử dụng lao động. Trong khi đó, Ðồng Nai là một trong 2 địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ gỗ và xuất khẩu gỗ mạnh nhất cả nước với hơn 1 ngàn doanh nghiệp, thu hút
50-60 ngàn lao động. Điều này cho thấy doanh nghiệp còn khá thờ ơ và coi thường các quy định của pháp luật có liên quan. Tất nhiên, không thể không nói đến sự “tiếp tay” của người lao động vì muốn có việc làm để ổn định cuộc sống, kiếm thêm thu nhập đã không biết hoặc dễ dàng cho qua những sai phạm của doanh nghiệp.

Chính vì những bất cập, tồn tại trong lao động ngành gỗ, chiến dịch thanh tra lao động năm 2019 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức có chủ đề Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ, nhằm tăng cường tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động, qua đó cải thiện điều kiện làm việc tại mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, đối tác xã hội, cơ quan truyền thông và các cơ quan khác để giải quyết những vấn đề không tuân thủ phổ biến trong ngành chế biến gỗ; giúp đỡ các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ quản lý tốt lao động và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm gỗ ngày càng có thương hiệu uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.

Tất nhiên, để đạt được mục tiêu này không phải dễ, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và đặc biệt là ý thức tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong ngành chế biến gỗ.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều