Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần phải "khó tính" hơn

10:05, 08/05/2019

Chỉ tính riêng số lượng dự án khu đô thị, khu dân cư có diện tích từ 45 hécta trở lên, Đồng Nai hiện đã có 36 dự án với tổng diện tích sử dụng đất gần 5,3 ngàn hécta.

Chỉ tính riêng số lượng dự án khu đô thị, khu dân cư có diện tích từ 45 hécta trở lên, Đồng Nai hiện đã có 36 dự án với tổng diện tích sử dụng đất gần 5,3 ngàn hécta. Trong đó có những “siêu dự án” với quy mô lên đến hàng trăm hécta và vốn đầu tư (dự kiến) hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhưng thực tế, 36 dự án này từ khi cấp phép đến nay hầu hết vẫn còn ngổn ngang chưa “thành hình”, dù trong đó có những dự án đã kéo dài chục năm.

Nguyên nhân thì khá nhiều, trong đó có nguyên nhân khách quan như tiến độ thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục lâu… dẫn đến chưa có “đất sạch” để làm. Tuy nhiên, cũng không thiếu các nguyên nhân chủ quan, mà dễ thấy nhất là năng lực của chủ đầu tư không đủ để thực hiện dự án dù chính họ đứng ra xin chủ trương đầu tư để làm. Cũng không loại trừ trường hợp có những dự án chỉ được xin giấy phép rồi chờ… sang tay kiếm lời vì chủ đầu tư không có ý định theo đuổi đến cùng việc thực hiện dự án như cam kết, hoặc những khó khăn trong kinh doanh phát sinh dẫn đến việc họ không còn khả năng thực hiện.

Nhưng dù có thế nào chăng nữa, hàng ngàn hécta đất đã được phê duyệt cấp phép dự án mà “treo” từ năm này sang năm khác là điều cần sớm xử lý, bởi càng để lâu sẽ càng phát sinh nhiều hệ lụy: người dân trong vùng dự án phải sống cuộc sống tạm bợ để chờ bồi thường, tái định cư; quy hoạch bị phá vỡ…

Tình trạng xin cấp phép những dự án khu dân cư, khu đô thị có quy mô lớn rồi “lèng èng” không thực hiện trong nhiều năm hoặc chỉ làm cầm chừng thật ra không phải là câu chuyện của riêng Đồng Nai mà là câu chuyện chung của nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt là khi thị trường bất động sản có những biến động lớn, “bong bóng” bất động sản bị vỡ khiến nhiều nhà đầu tư “ôm” đất, “ôm” dự án phải rút lui và để dự án trong tình trạng “lửng lơ” không thực hiện. Do đó, năng lực của chủ đầu tư trở thành vấn đề được đặt ra rất nhiều trong lĩnh vực này.

Đơn cử, từ năm 2015, theo quy định của Luật Đầu tư thì doanh nghiệp thực hiện dự án phải ký quỹ từ 1-3% trên tổng vốn đầu tư của dự án. Mục đích là để sàng lọc, chọn ra những đơn vị đủ thực lực và có sự cam kết nhất định về tài chính cho dự án. Chẳng hạn, đối với công trình có vốn từ 1 ngàn tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ ký quỹ là 1%. Tuy nhiên, mức ký quỹ này đã ban hành từ năm 2015 và đến nay được cho là không còn đủ mạnh để “ràng” doanh nghiệp nhanh chóng làm dự án vì với dự án có số vốn đăng ký 1 ngàn tỷ đồng, mức ký quỹ 1% thì chỉ tương đương với con số 10 tỷ đồng. Vậy nên ngoài điều khoản này, cần sớm có những quy định ràng buộc và kiểm soát khắt khe hơn trong việc xác định năng lực chủ đầu tư đối với các dự án liên quan trực tiếp đến đất đai như dự án khu dân cư, khu đô thị.  

Vi Lâm

Tin xem nhiều