Báo Đồng Nai điện tử
En

Để không còn cảnh "mượn tên"

09:04, 03/04/2019

Chương trình xây dựng nông thôn mới vừa có một bước chuyển mình khá lớn thông qua việc triển khai rộng rãi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên quy mô cả nước.

Chương trình xây dựng nông thôn mới vừa có một bước chuyển mình khá lớn thông qua việc triển khai rộng rãi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên quy mô cả nước.

Trên thực tế, OCOP đã có từ giữa năm 2018 khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 thực hiện trên phạm vi cả nước. Theo đó, trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Mục tiêu của OCOP còn nhằm góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Với những mục tiêu sâu và rộng vừa nêu, OCOP rõ ràng cần nhiều thời gian để triển khai, thực nghiệm, đánh giá… nhằm phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị bền vững.

Mặc dù chương trình OCOP tập trung cho các nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất và trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn; bán hàng, song kỳ vọng đầu tiên của nông dân Đồng Nai nói riêng thông qua chương trình này chính là được định hướng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản và các sản phẩm nông thôn đặc thù của Đồng Nai (chẳng hạn đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ uống, các sản phẩm nông sản chế biến) một cách bài bản và bền vững, từng bước chấm dứt việc bán sản phẩm một cách vô danh trên thị trường hoặc phải mượn tên của một tổ chức/quốc gia trung gian khi xuất khẩu. Mục tiêu của OCOP rõ ràng đã “chạm” được vào mong mỏi lớn nhất của nông dân nói chung và cả các làng nghề, cơ sở, doanh nghiệp nông thôn nói chung: bán được sản phẩm có “tên”, nghĩa là có thương hiệu, đặc biệt là các loại sản phẩm mang “hồn” địa phương, biến chúng thành những lợi thế cạnh tranh độc đáo và đứng vững trên thị trường.

Còn rất nhiều việc phải làm phía trước để OCOP thực sự là một làn gió mới trong xây dựng nông thôn mới, trong đó quan trọng nhất là các sản phẩm phải do nông dân chọn nhằm huy động tối đa nguồn lực, song rõ ràng đây là một chương trình có định hướng đúng, kịp thời và nếu triển khai tốt, nông thôn mới sẽ tiếp tục là chương trình thu hút nông dân một cách thực sự hiệu quả.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều