Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỗ đứng nào cho hàng Việt?

09:04, 14/04/2019

"Cạnh tranh" và "hội nhập" không còn là những từ ngữ có tính dự báo tương lai cho hàng hóa Việt Nam nữa, mà đã chính thức có mặt trong công việc mỗi ngày của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt.

“Cạnh tranh” và “hội nhập” không còn là những từ ngữ có tính dự báo tương lai cho hàng hóa Việt Nam nữa, mà đã chính thức có mặt trong công việc mỗi ngày của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Từ sạp chợ truyền thống, từ cửa hàng tạp hóa trong khu phố nhỏ đến những đại siêu thị với cả trăm ngàn chủng loại hàng hóa, hay những trang thương mại điện tử đầu tư lớn... cuộc cạnh tranh giành thị phần vẫn đang “nóng” dần lên.

Thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, hiện tại, hàng Việt có rất nhiều cơ hội xuất khẩu đến những thị trường lớn từ Á sang Âu với thuế suất cực thấp. Nhưng bù lại, hàng nhập khẩu cũng không vướng phải rào cản nào khi vào thị trường Việt Nam như trước đây. Hàng Việt với hàng Thái Lan, hàng Việt với hàng Trung Quốc, hàng Việt với hàng Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… làm nên sự so kè không dứt trong nhiều lĩnh vực, từ dệt may đến giày dép, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, điện máy... Từ phân khúc cao cấp đến phân khúc bình dân, ngày nay người tiêu dùng đang có những sự lựa chọn đa dạng hơn bao giờ hết với nhiều mức giá và chủng loại khác nhau.

Và trong rất nhiều sự lựa chọn đó, điều gì sẽ khiến người tiêu dùng chọn mua hàng Việt? Vì lòng yêu mến và ủng hộ hàng trong nước hay vì chất lượng, mẫu mã và giá cả phù hợp?

Trên thực tế, câu trả lời bao gồm cả 2 yếu tố. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong nhiều năm qua đã tạo ra một nhận thức mới cho hàng Việt Nam trong mắt người tiêu dùng, khó có thể “đong đếm” song phải thừa nhận sự nhận thức và ưu tiên này đã trở thành bệ đỡ cho nhiều chương trình ủng hộ hàng Việt, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn nhỏ có sự tự tin trong sản xuất, kinh doanh và đưa hàng Việt vươn xa đến nhiều thị trường mới. Song, sự yêu mến và tạo điều kiện này sẽ không bền vững nếu thiếu yếu tố thứ 2: chất lượng, mẫu mã và giá cả. Người tiêu dùng sẽ chọn hàng nhập khẩu để thay thế nếu hàng Việt Nam không cạnh tranh nổi trên các phương diện then chốt đó.

Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có cơ hội tiếp cận vốn liếng, tri thức, kinh nghiệm, công nghệ… như bao doanh nghiệp khác trên toàn cầu, do đó hàng hóa sẽ phải cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu. Nhiều chuyên gia từng nhận xét, không có “chiêu thức” cạnh tranh nào hiệu quả hơn bằng việc nâng cao nội lực của chính mình, bởi vì chỗ đứng bền vững nhất của hàng Việt Nam chính là chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều