Báo Đồng Nai điện tử
En

Chân lý thuộc về chính nghĩa

10:01, 06/01/2019

Cách đây đúng 40 năm, trong lúc dân tộc Angkor đang trong cơn hấp hối, thì ở sườn phía Nam của Tổ quốc Việt Nam cũng chảy máu ròng ròng do những cuộc tấn công vũ trang vượt biên giới của quân đội Campuchia Dân chủ.

Cách đây đúng 40 năm, trong lúc dân tộc Angkor đang trong cơn hấp hối, thì ở sườn phía Nam của Tổ quốc Việt Nam cũng chảy máu ròng ròng do những cuộc tấn công vũ trang vượt biên giới của quân đội Campuchia Dân chủ.

Là một dân tộc vừa trải qua cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc suốt 30 năm - một cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử loài người, nhân dân Việt Nam mong muốn lao động hòa bình để băng bó, chữa trị những vết thương chiến tranh còn rỉ máu. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước Việt Nam kiên trì các biện pháp đàm phán hòa bình với chính quyền Pol Pot - Ieng Sary, những người một thời “Đông Dương chung một chiến hào” với Việt Nam, nhưng chúng ta muốn hòa bình, thì những kẻ nhân danh “cộng sản” ở bên kia biên giới càng lấn tới bằng các cuộc tấn công giết người già, phụ nữ, trẻ em một cách đẫm máu hơn. Trong lúc đó, ở trong nước Pol Pot - Ieng Sary gia tăng các biện pháp thanh trừng dân tộc, nhất là các sắc tộc thiểu số như Chăm, Việt bằng các kiểu giết người của thời trung cổ hết sức dã man.

Chính quyền Pol Pot - Ieng Sary lúc ấy đang say máu đã giết hơn 1,7 triệu người (chiếm 1/4 dân số Campuchia) và giam cầm, đày ải hàng triệu người khác trong các công xã do bọn Angka khát máu tàn bạo quản lý. Chúng đã làm cho cả dân tộc Khmer tuyệt vọng trước cái chết và hàng giờ, hàng ngày, họ chờ mong Liên hợp quốc cùng các cường quốc biết đến để giải cứu nhưng những tiếng kêu cứu yếu ớt vô vọng ấy không được ai lắng nghe, thậm chí có cường quốc còn tăng cường viện trợ quân sự, tài chính cho Khmer Đỏ để bọn khát máu này tiếp tục giết hại đồng bào của mình nhiều hơn, tấn công Việt Nam mạnh hơn.

Lúc đó, ánh sáng của công lý và lương tri nhân loại hoặc bị che khuất, làm ngơ hoặc bị bóp méo, xuyên tạc và có cả vì lợi ích dân tộc hẹp hòi, nhiều chính phủ trên thế giới còn cố tình vu cáo Việt Nam “xâm lược” Campuchia. Người ta cố tình lãng tránh một sự thật, là máu đang đầm đìa suốt một dãy biên giới dài 1.270km của Việt Nam - Campuchia và bên kia đường biên giới ở những cánh đồng chết, người dân Campuchia đang tuyệt vọng trước thảm họa diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra. Quyền con người, trước hết là quyền được sống đang bị bóp chết một cách tàn bạo trên đất Chùa Tháp và trên dọc biên giới Tây Nam từ Tây nguyên đến đồng bằng Nam bộ diễn ra ở mức độ ngày càng thảm khốc. Nhưng những chính phủ, các tổ chức thường xuyên rao giảng, phê phán về thực hiện quyền con người đều im lặng, im lặng một cách khó hiểu. Người Việt Nam bằng trải nghiệm lịch sử của hàng ngàn năm chống ngoại xâm của mình, hiểu rằng vì sao có sự im lặng đáng sợ này. Đó là sự cay cú và cũng có phần sợ hãi của chính phủ nhiều nước sau chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam vào mùa xuân 1975, nên đã âm thầm giấu mặt phát động cuộc chiến tranh thông qua Khmer Đỏ để làm suy yếu Việt Nam. Người ta trang bị vũ khí và chỉ cho đạo quân của Pol Pot - Ieng Sary phải đánh chiếm đến “cây thốt nốt ở Thị Nghè!”.

Chính vì thế, mặc dù mong muốn xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị cùng nhau phát triển, nhưng trước thái độ hiếu chiến, tàn bạo của Campuchia Dân chủ - cái quái thai của nhân loại, Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, mà nói theo ngôn ngữ của đạo diễn Lê Phong Lan: “Cuộc chiến tranh bị bắt buộc”.

Trước tình thế ấy, thực hiện lời dạy của Bác Hồ hồi tháng 8-1954, khi Người căn dặn Đại tướng Chu Huy Mân, lúc đó Chính ủy Đoàn 100 sang giúp nước bạn Lào: “Giúp bạn là tự giúp mình”, Việt Nam đã cưu mang, giúp đỡ người dân Campuchia vượt biên giới tránh họa diệt chủng như giúp đỡ những người anh em ruột thịt của mình. Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ ông Hun Sen cùng các cộng sự gầy dựng lực lượng, chuẩn bị giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng. Và vinh dự này, được giao cho Quân khu 7 cùng tỉnh Đồng Nai giúp bạn xây dựng đoàn 125 quân giải phóng Campuchia - tiền thân của Quân đội Hoàng gia Campuchia ngày nay.

Rồi sau đó, theo lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với Quân đội cách mạng Campuchia đã tiến hành giải phóng nhân dân Khmer khỏi họa diệt chủng và cử chuyên gia sang cùng với quân tình nguyện Việt Nam giúp dân tộc Campuchia hồi sinh. Trong bối cảnh đất nước Việt Nam “lụt Bắc, lụt Nam máu đầm đìa biên biới”, kể cả máu của người Việt Nam đã đổ ở biên giới phía Bắc, ở Vị Xuyên, Gạc Ma và trên đất Chùa Tháp, “đạo quân nhà Phật” - như lời Thủ tướng Hun Sen đã nói, vẫn chí tình chí nghĩa suốt mười năm, giúp bạn bằng tình hữu nghị trong sáng, thủy chung. Từ một dân tộc đang đứng trước bờ của thảm họa diệt chủng, Campuchia đã dần dần hồi sinh là một thực tế. Thế nhưng, một số quốc gia vì quyền lợi hẹp hòi hoặc do sức ép của các nước lớn nên vẫn tiếp tục im lặng hoặc lớn tiếng vu cáo Việt Nam “xâm lược” Campuchia.

Đến khi Liên hợp quốc quyết định đưa 4 thủ lĩnh cấp cao của Khmer Đỏ là Nounchia, Ieng Sary, Ieng Thirith, Khieu Samphan, Kaebg Guek Eav ra phiên tòa kéo dài suốt 10 năm, với hàng trăm ngàn trang hồ sơ và hàng trăm nhân chứng, trong đó có 2 nhà báo Đinh Phong và Nguyễn Hồ của Việt Nam, thì sự thật mới được làm sáng tỏ. Sự thật đau thương này đã được các phương tiện truyền thông công bố trước thế giới, sau khi tòa án quốc tế tuyên những kẻ sát nhân này tội danh, phạm tội diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh.

Thế là, sau mấy chục năm sự thật đẫm máu xảy ra ở Campuchia và biên giới Tây Nam của Việt Nam trong 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ đã được làm sáng tỏ trước thế giới một cách chính danh, theo luật pháp quốc tế, qua phiên tòa lịch sử do Liên hợp quốc tổ chức và công bố. Chân lý được trả lại cho nhân dân Việt Nam và chính nghĩa của người Việt Nam với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, sẵn sàng đem máu xương của mình cứu một dân tộc đang hấp hối là một chiến công mang tầm thế kỷ. Từ đó, công lý và lương tri nhân loại cũng bừng tỉnh về sự thật ở những cánh đồng chết trên đất Angkor đau thương.

Sự thật là vậy, thế nhưng đến nay một số thế lực thù địch vẫn cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử này. Nếu ai đó, dù ở Việt Nam, Campuchia hay ở bất cứ đâu đó trên thế giới, mỗi khi muốn xuyên tạc sự thật lịch sử có một không hai về ngày 7-1 cách đây 40 năm, hãy nghe những ý kiến sau đây: “Dù ai có tư tưởng bất công và cực đoan đến đâu thì cũng phải nhìn nhận điều đó.  Nếu ai không muốn nhìn nhận như thế thì người đó không phải con người, chỉ là con ác thú. Đúng thế. Không có ngày giải phóng 7-1-1979 thì ta có được những gì ta đang có ngày nay hay không?” - lời Thủ tướng Hun Sen. Tập đoàn Khmer Đỏ “đã biến Campuchia trở thành một trại nô lệ khổng lồ, biến cả một dân tộc trở thành những tù nhân sống trong một chế độ dã man mà đến tận ngày nay, vẫn là khó tin”, đồng công tố viên Chea Leang tuyên bố. Còn Trưởng công tố viên người Anh của Liên hợp quốc Andrew Cayley nói: “Phiên tòa xét xử gửi đi một thông điệp mạnh mẽ trên khắp thế giới rằng: Nếu người nào đưa một đất nước tới một thảm họa như thế này, thì quá khứ sẽ không bao giờ buông tha người đó”.

“Bàn tay không thể che được mặt trời”, dù cố tình bưng bít, xuyên tạc, vu khống, nhưng sự thật lịch sử về việc quân tình nguyện Việt Nam - “đạo quân nhà Phật” đánh đổ Khmer Đỏ, cứu nhân dân đất Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng, góp phần làm cho dân tộc Campuchia hồi sinh chỉ có một. Chân lý luôn thuộc về chính nghĩa.

Mai Sông Bé

Tin xem nhiều