Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ "bốn có", "tam nông" đến nông thôn mới

01:11, 27/11/2018

Không phải ngẫu nhiên mà từ một tỉnh lâu nay nổi danh về phát triển công nghiệp, Đồng Nai lại trở thành địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước từ những ngày đầu.

Không phải ngẫu nhiên mà từ một tỉnh lâu nay nổi danh về phát triển công nghiệp, Đồng Nai lại trở thành địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước từ những ngày đầu. Trước thềm hội nghị trực tuyến toàn quốc về 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (2008-2018) về nông dân - nông nghiệp - nông thôn, Đồng Nai trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới với 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Xuân Lộc, từ huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành nông thôn mới, nay lại được chọn là một trong 4 huyện trên cả nước thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Không ngẫu nhiên, là bởi tư duy đầu tư cho nông thôn của Đồng Nai đã có từ trước khi Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời - đó là chủ trương xây dựng nông thôn với mục tiêu “bốn có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn bảo đảm; có môi trường sinh thái phát triển bền vững.

Để thực hiện mô hình này một cách cụ thể, rõ ràng, Đồng Nai chủ trương thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ và đã hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn. Đặc biệt, ngay từ thời điểm đó, tỉnh đã chủ trương ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất được xem là khâu đột phá nhằm tăng nhanh thu nhập, từng bước cải thiện đời sống của nông dân ở vùng nông thôn. Chính tư duy nền tảng này đã tạo ra những bước phát triển đầu tiên trong sản xuất, do đó khi thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, và sau này khi cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã tiến rất nhanh.

Tiến nhanh, tiến mạnh, song lãnh đạo tỉnh luôn xác định, từ “bốn có” đến “tam nông” cho đến xây dựng nông thôn mới thì mục tiêu kiên định vẫn là làm sao để đời sống nông dân tốt lên, bộ mặt nông thôn thay đổi chứ không vì chạy theo thành tích. Sau nông thôn mới sẽ là những “phiên bản” cao hơn, sâu hơn về sự phát triển của nông thôn - như Xuân Lộc đang phấn đấu. Có như thế, người dân mới một lòng cùng địa phương tiếp tục dồn sức cho sự phát triển chung vì “nông thôn mới” không phải là khái niệm chung chung, nông thôn mới phải hướng về đối tượng thụ hưởng chính: nông dân.                                                           

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều