Báo Đồng Nai điện tử
En

"Sốt đất" và trách nhiệm địa phương

11:11, 09/11/2018

Việc UBND huyện Long Thành chủ động kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc vụ Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh ) rao bán 18 dự án "ma" trên địa bàn 4 xã thuộc vùng phụ cận của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có lẽ là một trong những vụ việc hiếm hoi mà lãnh đạo một địa phương chủ động thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quản lý đất đai, quy hoạch, thị trường bất động sản trên địa bàn.

Việc UBND huyện Long Thành chủ động kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc vụ Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh ) rao bán 18 dự án “ma” trên địa bàn 4 xã thuộc vùng phụ cận của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có lẽ là một trong những vụ việc hiếm hoi mà lãnh đạo một địa phương chủ động thể hiện trách nhiệm của mình trong việc quản lý đất đai, quy hoạch, thị trường bất động sản trên địa bàn.

UBND huyện đồng thời cũng ra quyết định tạm ngưng toàn bộ các hoạt động giao dịch sang nhượng bất động sản ở những vị trí mà Alibaba rao bán, cắm bảng cảnh báo ở một số nơi để người dân biết thông tin. Đây rõ ràng là một động thái kịp thời và đáng khích lệ của lãnh đạo huyện Long Thành, khi nhận thức rằng ở góc độ địa phương, họ khá khó khăn trong việc nắm thông tin, thanh tra xử lý tận gốc rễ một doanh nghiệp rao bán dự án khống trên địa bàn mà các hoạt động mua bán, nhận tiền lại diễn ra ở những tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, đáng tiếc là không phải địa phương nào cũng chủ động và nhanh nhạy như Long Thành trong việc giám sát, quản lý các hoạt động mua bán, kinh doanh bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là trong những thời điểm nhạy cảm như cơn “sốt” đất vừa qua. Thực ra, ngay cả Long Thành cũng chỉ mới chủ động trong trường hợp của Công ty Alibaba, còn lâu nay cũng chưa có động thái nào tương tự đối với tình trạng sốt đất 2-3 năm nay xung quanh khu vực dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thực tế, khó có cơ quan, ban, ngành nào ở cấp cao nắm rõ tình hình mua bán, sang nhượng đất đai tại một địa phương cụ thể bằng chính quyền địa phương đó. Pháp luật quy định trách nhiệm quản lý của chính quyền chi tiết đến từng khu phố, ấp, xã, phường… và do đó, khó “thông cảm” nếu những hệ lụy của “sốt đất” diễn ra mà chính quyền địa phương “không nắm” hoặc “chưa nắm”.

Không chỉ những trường hợp vi phạm công khai, rầm rộ như trường hợp Công ty Alibaba, ở những thời điểm giá bất động sản lên cao, có rất nhiều hình thức vi phạm pháp luật, lách luật mà các công ty bất động sản và giới “cò” đất sử dụng để trục lợi. Chẳng hạn, sử dụng các “hợp đồng đặt cọc”, “hợp đồng chọn vị trí”, “hợp đồng góp vốn”… nhằm huy động vốn của người mua trong khi dự án chưa đủ tính pháp lý để mở bán ra công chúng. Hơn ai hết, các cơ quan chức năng địa phương cần nắm rõ và thấy được những biến động trong giao dịch, mua bán đất trên địa bàn, thấy những dấu hiệu bất thường diễn ra trên thị trường để báo cáo cấp trên và có những động thái kịp thời để tránh hậu quả xấu cho cả người dân lẫn chính quyền.

Tháng 5-2018, tại những nơi có “sốt đất” quá lớn như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh đó trực tiếp chịu trách nhiệm để góp phần nhanh chóng dẹp yên tình trạng bát nháo trên thị trường nhà đất. Có lẽ sắp tới, hình thức này cũng nên được nhân rộng ra các cấp huyện, xã, phường… để thị trường bất động sản bớt “dậy sóng”, bởi “sóng” ở thị trường này vừa gây mất mát cho người dân, vừa phá vỡ quy hoạch đất đai, đội vốn các dự án trên địa bàn, gây nên những hệ lụy rất lâu dài và khó giải quyết.

Vi Lâm

Tin xem nhiều