Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên rút phép những mỏ khoáng sản "hành" dân

10:11, 14/11/2018

Năm 2014, hơn 170 hộ dân thuộc xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đã có đơn gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên - môi trường và các đơn vị tại địa phương để khiếu nại về việc phê duyệt quy hoạch, quyết định cấp phép khai thác mỏ đá Bình Lợi trên địa bàn với lý do huyện Vĩnh Cửu đã có nhiều mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép, hoạt động rầm rộ trong nhiều năm khiến người dân khốn khổ. Và họ không muốn có thêm một mỏ khai thác khoáng sản nào nữa.

Năm 2014, hơn 170 hộ dân thuộc xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đã có đơn gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên - môi trường và các đơn vị tại địa phương để khiếu nại về việc phê duyệt quy hoạch, quyết định cấp phép khai thác mỏ đá Bình Lợi trên địa bàn với lý do huyện Vĩnh Cửu đã có nhiều mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép, hoạt động rầm rộ trong nhiều năm khiến người dân khốn khổ. Và họ không muốn có thêm một mỏ khai thác khoáng sản nào nữa.

Năm 2017, thường trực HĐND huyện Vĩnh Cửu nhiệm kỳ 2016-2021 cũng kiến nghị cấp trên kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác đối với những chủ mỏ, các chủ bến cảng, chủ phương tiện vận chuyển không chấp hành quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Kiến nghị này xuất phát từ việc trong nhiều năm liền, trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân Vĩnh Cửu liên tục nêu ý kiến phàn nàn về tình trạng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Không chỉ Vĩnh Cửu, nhiều người dân tại TP.Biên Hòa, Thống Nhất… cũng nhiều lần kiến nghị, bày tỏ sự khốn khổ của mình khi phải sinh sống trong vùng khai thác khoáng sản và đề nghị địa phương dừng cấp phép thêm.

Đồng Nai là địa phương được đánh giá cao về tiềm năng khai thác khoáng sản với trữ lượng ước tính lên đến hàng trăm triệu tấn. Vì lẽ đó, khai thác nguồn lợi này là cần thiết cho sự phát triển kinh tế, song nó phải dựa trên sự suy tính kỹ càng về trữ lượng, cân nhắc về việc không tái tạo và suy kiệt tài nguyên, cân nhắc về các yếu tố ảnh hưởng môi trường… Trên thực tế, 46 mỏ khoáng sản đang được cấp phép khai thác không phải là con số quá nhiều so với các địa phương khác, song việc tập trung dày đặc, khai thác quá nhiều tại một số địa phương gây bức xúc lớn cho người dân là điều có thật. Chẳng hạn, chỉ riêng xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã tập trung đến 11 mỏ khai thác khoáng sản (chủ yếu là đá), với thời hạn cấp phép lên đến hàng chục năm - tương đương nửa đời người - là điều mà chính quyền nên cân nhắc.

Cấp phép khai thác mỏ khoáng sản sẽ không gây bức xúc cho người dân nhiều đến thế nếu các cơ quan chức năng quản chặt các quy định về môi trường đối với phía doanh nghiệp khai thác, tránh làm phiền người dân. Cần phải kiểm tra, kiểm soát liên tục và chế tài nặng những chủ mỏ đá, những doanh nghiệp không thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Nên phạt nặng những doanh nghiệp gây bụi bặm, làm đường xuống cấp, gây tiếng ồn, không phục hồi hoặc chỉ phục hồi qua quít môi trường sau khai thác, vận chuyển đất đá gây nguy hiểm cho người dân… và phải kiên quyết rút phép những doanh nghiệp nào vi phạm, tái phạm, gây phiền nhiễu cho đời sống người dân. Chỉ có làm đúng, làm nghiêm thì khai thác khoáng sản mới đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà không làm người dân khốn khổ, bức xúc.  

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều