Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy về một mối

11:08, 27/08/2018

"Một cuộc cách mạng" là cụm từ mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét về Luật Quy hoạch trong buổi thảo luận tại nghị trường Quốc hội vào tháng 5-2017. Luật này sau đó đã được Quốc hội bấm nút thông qua vào tháng 11-2017 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

“Một cuộc cách mạng” là cụm từ mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét về Luật Quy hoạch trong buổi thảo luận tại nghị trường Quốc hội vào tháng 5-2017. Luật này sau đó đã được Quốc hội bấm nút thông qua vào tháng 11-2017 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Luật Quy hoạch được đánh giá là một trong những cải cách đậm nét nhất về cơ chế trong mấy năm gần đây. Luật Quy hoạch được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ các quy hoạch chồng chéo - vốn là những tác nhân đang gây cản trở đầu tư, phát triển, là rào cản gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ. Luật cũng được cho là sẽ tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển.

Thực tế, những ai đã từng đầu tư một dự án, dù nhỏ hay lớn, đều sẽ “nếm mùi” chờ đợi, lo lắng, chạy ngược chạy xuôi hỏi thông tin, xin bổ sung quy hoạch này quy hoạch nọ đến khi phù hợp toàn bộ thì sẽ hiểu “ma trận” quy hoạch làm khó người dân và doanh nghiệp lâu nay ra sao. Chẳng hạn, để mở một siêu thị mini hay một cửa hàng xăng dầu, chủ đầu tư buộc phải thỏa mãn ít nhất 4 loại quy hoạch, bao gồm: quy hoạch ngành (xăng dầu, bán lẻ...), quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch giao thông.

Vướng mắc lớn nhất là các loại quy hoạch này không phải lúc nào cũng phù hợp với nhau, và quy trình xin điều chỉnh, bổ sung rất mất thời gian công sức, bởi mỗi nơi “quản” một loại quy hoạch khác nhau: quy hoạch sử dụng đất do địa phương trình lên cấp tỉnh, tỉnh trình lên Chính phủ phê duyệt theo từng giai đoạn; quy hoạch ngành do sở, ngành chuyên môn quản lý và hướng dẫn, chủ đầu tư phải thỏa mãn tất cả các yêu cầu liên quan để sở, ngành chuyên môn trình lên cấp cao hơn xin phê duyệt. Tương tự, các quy hoạch khác cũng đòi hỏi nhiều thời gian để xin bổ sung, hoàn thiện, qua nhiều bước hồ sơ, nhiều cấp phê duyệt, dẫn đến một dự án cửa hàng xăng dầu nho nhỏ có thể mất đến 2-3 năm để xin cấp đầy đủ các quy hoạch liên quan.

Chính những quy hoạch ràng buộc chồng chéo này đã gây nhiều cản trở cho phát triển kinh tế, đôi khi tạo ra cơ chế xin - cho. Chưa kể, quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi, gây lãng phí.

Hiện tại, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do dữ liệu quy hoạch này chồng chéo lên quy hoạch khác, song theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tại Đồng Nai đang gấp rút xử lý để sớm có một quy hoạch chung dựa trên một cơ sở dữ liệu thống nhất, phù hợp nhất, kịp trước thời điểm đầu năm 2019 - khi Luật Quy hoạch chính thức có hiệu lực trên cả nước. Khi đó, hy vọng là người dân và doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ một bộ quy hoạch chung khi muốn tiến hành đầu tư các dự án lớn nhỏ bởi tất cả các quy hoạch được “quy về một mối”, không bị chồng lấn lẫn nhau.

Một vấn đề khác mà người dân lẫn doanh nghiệp đều quan tâm là khi hoàn thành cơ sở dữ liệu chung này và áp dụng Luật Quy hoạch mới trong các hoạt động đầu tư, phát triển, người dân và doanh nghiệp sẽ được tạo những cơ chế tiếp cận thông tin quy hoạch một cách nhanh chóng, minh bạch và thông thoáng, đúng như tinh thần “kiến tạo” mà Chính phủ khuyến khích lâu nay.

Vi Lâm

Tin xem nhiều