Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần "cứu" môi trường nông thôn

09:07, 23/07/2018

Hơn 10 năm trước, Công ty Vinamit quyết định phát triển dòng sản phẩm hữu cơ bởi với tầm nhìn của một trong những thương hiệu lớn nhất Việt Nam về chế biến và xuất khẩu nông sản, họ cho rằng sử dụng các sản phẩm có chứng nhận "organic" sẽ là xu hướng toàn cầu trong những năm tới.

Hơn 10 năm trước, Công ty Vinamit quyết định phát triển dòng sản phẩm hữu cơ bởi với tầm nhìn của một trong những thương hiệu lớn nhất Việt Nam về chế biến và xuất khẩu nông sản, họ cho rằng sử dụng các sản phẩm có chứng nhận “organic” sẽ là xu hướng toàn cầu trong những năm tới.

Vinamit đã mua hàng trăm hécta đất ở thời điểm đó để phát triển vùng nguyên liệu chuẩn hữu cơ, và lý do khiến họ đau đầu nhất chính là gần như không thể tìm ra những vùng đất “sạch” nữa, bởi tất cả đều đã bị nhiễm chất hóa học nặng nề sau hàng chục năm dài canh tác theo phương pháp hóa học. Vinamit đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tiền của... để cho đất “nghỉ ngơi”, để xử lý tất cả hóa chất tồn đọng dưới những tầng sâu của đất, thử nghiệm nguồn nước, thử nghiệm không khí, độ pH... cùng hàng loạt chỉ tiêu nghiêm ngặt khác để cho ra được vùng đất có thể làm vùng nguyên liệu hữu cơ.

Tại Đồng Nai, một doanh nghiệp lớn đã phải tạm ngưng dự án trồng gạo sạch hữu cơ xuất khẩu vì không thể tìm được vùng đất nào sạch thực sự để trồng trọt, bởi để có sản phẩm hữu cơ theo chuẩn quốc tế nhà sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng và không sử dụng giống biến đổi gen.

Và điều đáng lo ngại là hầu hết các vùng sản xuất tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, khó lòng tìm được một mảnh đất đạt các tiêu chuẩn trên. Nếu doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp hữu cơ, họ phải rất nhiều tiền mua đất rồi… bỏ hoang trong một thời gian nhất định; đồng thời áp dụng nhiều phương pháp tốn kém khác để loại bỏ chất độc đã ngấm sâu vào lòng đất, vào mạch nước ngầm sau nhiều năm mảnh đất đó phải “hứng chịu” quá nhiều chất hóa học do truyền thống canh tác phun, xịt vô tội vạ của nông dân.

Đó là những minh chứng đáng báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn hiện nay. Việc lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất hóa học... đang diễn ra nhan nhản. Những “mùa” sâu bệnh, về các vùng sản xuất, không khó khăn gì để cảm nhận những luồng không khí có mùi phân, thuốc bởi nông dân phun, xịt quá nhiều.

Một thực trạng khác là thói quen xả thải, vứt rác trong chăn nuôi, sinh hoạt của người dân nông thôn đã và đang “bức tử” những con sông, suối, kênh rạch… ở nhiều nơi. Báo chí từng rất nhiều lần đưa hình ảnh các con sông, suối đầy... xác heo bệnh chết, đầy rác thải đến mức cản luôn dòng chảy, gây ngập úng. Người dân từ lâu không còn dám dùng nước suối để ăn uống, sinh hoạt và gần đây còn không dám... tưới rau.

Hai thiệt hại lớn nhất dễ dàng thấy được từ việc ô nhiễm môi trường nông thôn là sản xuất sạch sẽ khó phát triển trong những vùng ô nhiễm và sức khỏe của người dân nông thôn bị đe dọa. Để xử lý điều này cần đến những nguồn lực rất lớn và là cả một cuộc chiến lâu dài, trong đó khó nhất là thay đổi tập quán sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cần có những quy định và chế tài nghiêm ngặt về sử dụng chất hóa học trong sản xuất để nông dân không vì lợi nhuận mà phun xịt quá đà, đồng thời phải cải thiện ngay các hành lang pháp lý lẫn thói quen về xả thải, xử lý rác... trong chăn nuôi và sinh hoạt của người dân.

Đã đến lúc cần những giải pháp đồng bộ để làm trong sạch môi trường các vùng nông thôn, không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai sau này.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều