Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm đến đâu chắc đến đó

10:04, 25/04/2018

Thời điểm này, chắc hẳn nhiều cán bộ, công chức làm việc trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng đang rất thấp thỏm, không biết mình sẽ "đi đâu về đâu" khi công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang đến gần.

Thời điểm này, chắc hẳn nhiều cán bộ, công chức làm việc trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng đang rất thấp thỏm, không biết mình sẽ “đi đâu về đâu” khi công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang đến gần.

Thấp thỏm là dễ hiểu bởi bất cứ sự thay đổi, xáo trộn nào trong công việc cũng dễ gây nên tâm lý lo lắng, hoang mang, hơn nữa đây lại là một sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống con người ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sẽ có những cán bộ, công chức “sốc” khi vị trí công tác mà mình nắm giữ bấy lâu không còn, từ “sếp” có thể thành “lính”; từ “trưởng” thành “phó”; từ quản lý lĩnh vực rộng rút bớt lại phạm vi điều hành…

Dường như cán bộ, công chức, viên chức nào cũng hiểu và biết về sự cồng kềnh, chồng chéo của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị hiện nay. Nhưng quả thật, khi việc sáp nhập, tinh giản đến với chính họ và để đón nhận lại không hề đơn giản. Do vậy, bên cạnh việc hoàn thiện phương án sáp nhập sao cho hiệu quả, phù hợp phải đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cho một chủ trương lớn mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.

Sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn là dịp để chọn đúng người tài thực chất, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức loại nhanh những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém… Lực lượng này hiện chiếm tỷ lệ không nhỏ, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhưng làm việc lại không hiệu quả, thậm chí “có cũng như không”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều hội nghị quan trọng đều cho rằng việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Vì vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có sự chủ động, tích cực hơn nữa. Đây là việc khó nhưng không thể không làm bởi theo tính toán, hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất hưởng lương đã lên tới khoảng 11 triệu người. Không có ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.

Tại Đồng Nai, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch 166 thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với 3 mục tiêu quan trọng. Trong đó, phấn đấu từ nay đến năm 2019 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong các đơn vị theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó… Đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị.

Quan điểm của Đồng Nai là tích cực, chủ động thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy với quyết tâm cao nhưng sẽ không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, tạo được sự đồng thuận trong xã hội vì đây là việc liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đặc biệt là đến số phận con người.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều