Báo Đồng Nai điện tử
En

Không có đường lùi

11:04, 01/04/2018

Mấy ngày qua, một thông tin gây náo động những người hoạt động trong ngành trái cây Việt Nam từ nông dân đến doanh nghiệp, là Trung Quốc sẽ siết chặt hơn trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.

Mấy ngày qua, một thông tin gây náo động những người hoạt động trong ngành trái cây Việt Nam từ nông dân đến doanh nghiệp, là Trung Quốc sẽ siết chặt hơn trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 1-4, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) khi làm thủ tục nhập khẩu sẽ phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì để được thông quan. Trên bao bì phải chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, mã QR code hoặc tem chống hàng giả…

Sở dĩ thông tin trên gây tác động mạnh là vì thống kê từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho thấy Trung Quốc đang nhập khẩu đến 75% rau quả Việt Nam và năm 2017 kim ngạch xuất khẩu qua thị trường này lên đến 2,7 tỷ USD. Đáng nói hơn, lâu nay thị trường Trung Quốc được đánh giá là “dễ dãi” gấp nhiều lần so với các thị trường khác, do đó rau củ quả Việt Nam dễ dàng vào được thị trường này mà không cần đáp ứng quá nhiều tiêu chuẩn khó khăn như ở các thị trường khác.

Thực tế, để mở cửa cho trái cây và nông sản Việt vào các thị trường xuất khẩu khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc… thì cả 2 bên đều phải mất nhiều năm để trao đổi các điều kiện, kiểm tra chéo chất lượng, xem xét đủ mọi phương diện từ các mối nguy dịch hại đến nguồn gốc giống cây trồng… Do đó, danh sách trái cây hoặc nông sản Việt Nam đủ điều kiện vào các thị trường nói trên là không nhiều. Và kể cả khi đã được mở cửa thì mọi chuyện cũng chẳng dễ dàng bởi phía nhập khẩu sẽ kiểm tra gắt gao từng lô hàng trước khi thông quan, chỉ cần 1 trái không đạt tiêu chuẩn chất lượng thì cả lô hàng phải trả về.

Thị trường Trung Quốc lâu nay khá dễ dãi, từ nông dân đến thương lái và doanh nghiệp đều biết xuất đi Trung Quốc dù với đường tiểu ngạch hay chính ngạch thì cũng “dễ thở” hơn nhiều.

Cũng vì sự dễ dàng đó mà bao năm nay sản xuất trong nước thiếu động lực để cải tiến, để vào quy củ vì sản xuất kiểu gì mà không bán được? Điều này nhìn ở một góc khách quan đúng là con dao 2 lưỡi. Nó có lợi trước mắt vì giải quyết sớm và đại trà đầu ra cho nông sản, song lại làm cho tập quán canh tác dễ dãi của nông dân kéo dài mãi mà không có động lực thay đổi.

Nhiều chuyên gia đánh giá, các tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ ngày một khó khăn hơn. Tương tự, yêu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng sẽ ngày một cao hơn. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn hiện đang ráo riết đẩy mạnh các thủ tục để đưa các loại nông sản và trái cây chủ lực của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa nông dân sẽ không còn đường lùi, buộc phải thay đổi tập quán sản xuất dễ dãi, thay đổi tư duy “ăn xổi ở thì” và hướng đến một con đường lâu dài bền vững hơn. Một khi chất lượng nông sản và trái cây đã đạt chuẩn thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn, bởi không chỉ xuất khẩu, thị trường trong nước cũng sẽ đón nhận sản phẩm nội địa rộng rãi hơn, dễ dàng hơn thay vì tâm lý e dè, ngại ngần như hiện tại.        

V.L

Tin xem nhiều