Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiện ích và trách nhiệm

11:12, 11/12/2017

Không hiếm những vụ ăn chặn tiền chi trả trợ cấp cho người có công trong cả nước được phát hiện. Đối tượng ăn chặn không ai khác chính là những cán bộ ở xã, phường phụ trách lao động - thương binh và xã hội. Số tiền ăn chặn cũng không phải nhỏ, kéo dài nhiều năm trời gây phẫn nộ trong xã hội.

Không hiếm những vụ ăn chặn tiền chi trả trợ cấp cho người có công trong cả nước được phát hiện. Đối tượng ăn chặn không ai khác chính là những cán bộ ở xã, phường phụ trách lao động - thương binh và xã hội. Số tiền ăn chặn cũng không phải nhỏ, kéo dài nhiều năm trời gây phẫn nộ trong xã hội.

Làm sao tiền trợ cấp hỗ trợ cho người có công lại dễ dàng bị ăn chặn đến như vậy? Lý do đơn giản là tiền trợ cấp thường được chi trả trực tiếp bằng tiền mặt. Cán bộ xã, phường nhận tiền, giữ rồi bố trí thời gian chi trả. Điều này tạo kẽ hở cho lòng tham. Không ít cán bộ xã, phường đã giấu nhẹm tiền trợ cấp của người có công, thân nhân người có công, thậm chí là làm giả chữ ký của người đã chết để “vét” những đồng trợ cấp mà nhà nước hỗ trợ cho đối tượng này.

Đó là chưa kể những bất tiện cho người có công, thân nhân người có công khi phải đi lại nhiều lần. Khi nhận trợ cấp lương hưu thì phải tới bưu điện. Khi nhận chế độ trợ cấp chính sách phải đến UBND xã, phường. Với những trường hợp đau ốm, già yếu,  việc đi nhận trợ cấp khá khó khăn.

Chính vì những bất cập này, nhằm tạo thuận tiện nhất cho người có công khi nhận trợ cấp, sau khi triển khai thí điểm thành công ở tỉnh Quảng Nam, Bộ Lao động - thương binh và xã hội quyết định mở rộng hình thức thí điểm việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện. 6 địa phương tiếp tục triển khai thí điểm gồm:
TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắk Nông, Quảng Nam, Đồng Nai và Bắc Kạn.

Theo đánh giá của ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, thực hiện chủ trương này,  từ tháng 11- 2016 tỉnh đã lựa chọn TP.Biên Hòa để triển khai thí điểm. Và chỉ sau 1 năm, việc chi trả trợ cấp cho đối tượng có công qua bưu điện đã cho thấy những ưu điểm vượt trội, tạo thuận lợi cho người có công trong việc nhận tiền trợ cấp. Người có công không phải đi lại nhiều lần, chỉ cần tới một trong 30 điểm thực hiện chi trả trong thành phố để nhận vừa trợ cấp vừa lương hưu và cả các khoản chi trả khác vào dịp lễ, tết. Việc thông báo nhận trợ cấp cũng rõ ràng, cụ thể để người có công chủ động về mặt thời gian, hạn chế tình trạng trễ hẹn chi trả. 

Điều đặc biệt, quy trình chi trả trợ cấp được thực hiện trên phần mềm hành chính công, giúp cho công tác quản lý, theo dõi kịp thời, cụ thể, minh bạch hóa được các khoản thu, chi, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ăn chặn tiền trợ cấp.

Từ những ưu điểm khi triển khai thí điểm ở TP. Biên Hòa, tỉnh quyết định sẽ triển khai đại trà trong toàn tỉnh, bắt đầu từ ngày 1-1-2018. Sẽ có gần 13,5 ngàn người có công trong toàn tỉnh được nhận chi trả lương hưu, trợ cấp ưu đãi và các khoản trợ cấp khác qua hệ thống bưu điện.

Một bước cải tiến mới dù nhỏ trong chính sách cũng đã cho thấy nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm tạo tiện ích, thuận lợi cho người dân trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Với đối tượng người có công, điều này lại càng phải thực hiện sớm, đầy đủ và trách nhiệm nhất.                                                                         

Minh Ngọc

Tin xem nhiều