Báo Đồng Nai điện tử
En

Thấm sâu và tỏa sáng

10:01, 13/01/2014

Cách đây khoảng 2 thập niên, chương trình "Đưa văn hóa về cơ sở" được khởi động, xem như là niềm tự hào của ngành văn hóa - thông tin. Xã, phường, thị trấn nào được đầu tư theo chương trình (khoảng 30 triệu đồng/xã) sẽ là vinh dự lớn, vui thấu trời. Cán bộ ngành văn hóa - thông tin thực hiện chương trình cũng cảm thấy mình oai hết biết.

Cách đây khoảng 2 thập niên, chương trình “Đưa văn hóa về cơ sở” được khởi động, xem như là niềm tự hào của ngành văn hóa - thông tin. Xã, phường, thị trấn nào được đầu tư theo chương trình (khoảng 30 triệu đồng/xã) sẽ là vinh dự lớn, vui thấu trời. Cán bộ ngành văn hóa - thông tin thực hiện chương trình cũng cảm thấy mình oai hết biết.

Lần nọ, tôi về một xã vừa được tiếp nhận chương trình, tưởng là được chung hưởng vui vẻ, ân tình, không ngờ lại nhận “gáo nước lạnh” từ một lão nông tại cuộc nhậu bưởi chua chấm muối ớt:

- Các chú nghĩ thế nào mà đưa văn hóa về cơ sở? Vậy, trước đó dân chúng xứ này không có văn hóa hay sao? Ông bà tụi tui bao đời nay sống bằng gì, đánh giặc, xây dựng làng xã bằng gì? Các chú lấy văn hóa từ đâu để đưa về, từ trên trời rơi xuống hay lấy của Tây, Tàu?...

Những câu hỏi nôm na ấy như là lời phản biện “búa tạ” chạm đến cái gốc của văn hóa, khiến phải thức tỉnh. Văn hóa từ đâu mà ra? Chính là từ trong dân mà ra, là của dân và do dân. Dân ở cơ sở tức là văn hóa cũng bắt nguồn từ cơ sở. Lý luận văn hóa đã nói thế. Bác Hồ cũng đã dạy như thế. Vậy, thuật ngữ “Đưa văn hóa về cơ sở” là không ổn! Sau đó, phải nhiều cuộc họp, nhiều kiến nghị, tranh luận, thiếu điều “cãi lộn”, cụm từ này mới biến mất khỏi các văn bản chuyên ngành. Việc đầu tư, xây dựng, phát triển văn hóa ở cơ sở vẫn tiến hành, ngày càng được lưu tâm.

Nhiều năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa, thư viện, trường học, bưu điện văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng… ở các làng, xã trên địa bàn tỉnh đã nhiều, nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt mong muốn. Trong khi đó, cơ sở văn hóa của dân (như đình, miễu, chùa chiền), người dân muốn trùng tu, nâng cấp thì kế hoạch nhà nước ít khi chạm đến. Vẫn còn cái gì đó khập khiễng, bất ổn giữa kế hoạch của chính quyền và lòng dân. Thực tế, không ít công trình văn hóa lớn ở cơ sở được đầu tư rất công phu, nhưng hoạt động khó khăn vì ít thu hút được người dân.

Mỗi khi khó khăn, tôi thường đọc lại, suy gẫm về Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Ở đó, có một tư tưởng hiện đại đến nay chưa được thực hiện trọn vẹn: Làm cho văn hóa thấm sâu vào từng người, từng lĩnh vực. Đúng là văn hóa chưa được làm cho thấm sâu ở cơ sở. Hai chữ THẤM SÂU rất hay, nhưng suy cho cùng vẫn là hiện tượng đến từ bên ngoài. Vì vậy, còn phải làm TỎA SÁNG mới là phát huy phẩm chất từ bên trong, từ hệ giá trị của nội lực, kích hoạt cái vốn có ở cơ sở thành cái cần có theo định hướng chung.

Vấn đề không phải là câu chữ, mà là quan điểm, dẫn đến phương thức: Đầu tư, phát triển văn hóa ở cơ sở bắt đầu từ đâu? Bằng cách nào? Ai làm? Ắt là/ nên là từ cơ sở, từ trong dân, bằng nội lực của dân chứ không phải chỉ bằng ý chí từ bên trên/ bên ngoài. Điều này dễ thấy rõ trong bài học thực tế. Thiết chế văn hóa làng, trong đó có hệ thống đình, chùa, miễu được xây dựng từ xa xưa, sống đời bền vững cùng dân nghèo nhiều trăm năm, trong khi đó một số công trình hiện đại, đầu tư đúng quy chuẩn vẫn khó giữ được. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng cần được có ý kiến đồng thuận của người dân để đạt mục tiêu hiệu quả và có sức sống bền vững trong lòng dân.

Huỳnh Văn Tới

 

Tin xem nhiều