Báo Đồng Nai điện tử
En

Bằng cấp không là "lá bùa hộ mệnh"

10:01, 03/01/2018

Em lập gia đình trễ, 38 tuổi mới sinh con trai. Năm nay con em 18 tuổi, học lớp 12. Vợ chồng em chỉ có một con duy nhất nên hy sinh hết cho con. Nhưng cháu lại không hiểu được lòng cha mẹ, gần đây cháu hay cãi lại, câu trước câu sau là dọa bỏ nhà đi.

Thưa chị Tâm Đan!

Em lập gia đình trễ, 38 tuổi mới sinh con trai. Năm nay con em 18 tuổi, học lớp 12. Vợ chồng em chỉ có một con duy nhất nên hy sinh hết cho con. Nhưng cháu lại không hiểu được lòng cha mẹ, gần đây cháu hay cãi lại, câu trước câu sau là dọa bỏ nhà đi. Cháu  nói không muốn bị cha mẹ biến thành cái máy học. Em nghĩ thấy cháu nói cũng đúng. Ngoài sách vở, máy tính, con trai em không có bạn bè. Ngoài vài bạn quen qua mạng, nhưng chẳng quan hệ nào lâu dài. Tâm trạng cháu thường xuyên buồn bực, chán nản, học hành sa sút. Có lần cháu bảo em, ước được đi làm công nhân hay làm lao động phổ thông gì cũng được, miễn là không phải phấn đấu vào đại học. Nhưng chồng em là giám đốc công ty, anh không thể chấp nhận cho con làm thợ. Chồng em quan niệm bây giờ là thời đại bằng cấp, không có bằng đại học, cao học, sẽ không được xã hội trọng vọng. Nhưng con trai em càng ngày càng chán ghét việc học và muốn buông trôi mọi thứ. Cháu viết trên blog muốn đậu đại học cho cha mẹ vui thôi. Em thật sự lo lắng cho con, không biết giờ phải làm sao?

Phương Hà (Biên Hòa)

Thân gửi  bạn Phương Hà!

Thật ra, đâu chỉ riêng vợ chồng bạn mà các bậc phụ huynh đều muốn con vào được đại học, cao học. Người nào cũng nghĩ có bằng cấp thì con mới tìm được việc làm tốt, có thu nhập cao. Suy nghĩ ấy không sai nhưng có phần phiến diện.

Tôi cho rằng xã hội ngày càng coi trọng thực lực. Bằng cấp không phải là “lá bùa hộ mệnh” cho mỗi người. Nếu trưng ra tấm bằng đại học, cao học mà năng lực yếu kém, có vào được cơ quan, đơn vị nào đó cũng mau chóng bị sàng lọc. Chồng bạn quá coi trọng bằng cấp nên đã vô tình tạo áp lực cho con. Con trai bạn chán ghét, buông bỏ việc học chính vì cậu ấy muốn phản kháng lại sự áp đặt của cha mẹ. Theo tôi, vợ chồng bạn nên đối thoại với con, tìm hiểu xem cháu muốn gì. Bạn cũng đừng quá bi quan, trạng thái buồn bực chính là lúc các cô cậu nhận thức về bản thân và đôi khi tự ti, lo sợ, không tin vào tương lai của mình. Vượt qua tuổi đôi mươi, trạng thái đó sẽ hết.

Bạn đừng bó buộc con trong nhà mà nên khuyến khích cháu đi sinh hoạt nhóm, giải trí… để việc học đạt kết quả tốt. Có nhiều con đường dẫn đến tương lai, không nhất thiết phải vào đại học. Tôi nghĩ là con bạn sẽ vui và phấn chấn khi được cha mẹ tôn trọng, không áp đặt.

Tâm Đan

Tin xem nhiều