Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai bảo vệ cho chữ tín trong nông nghiệp?

08:02, 28/02/2022

Giữa tháng 2 vừa qua, Công ty CP Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì bị "tranh mua" mía nguyên liệu với diện tích lên đến hơn 2 ngàn ha, dù công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trực tiếp với nông dân, bỏ tiền đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công…

Giữa tháng 2 vừa qua, Công ty CP Mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì bị “tranh mua” mía nguyên liệu với diện tích lên đến hơn 2 ngàn ha, dù công ty đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trực tiếp với nông dân, bỏ tiền đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công…

Một số thương lái mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO chở về Tây Ninh bán cho nhà máy đường Tây Ninh thuộc công ty CP mía đường Thành Thành Công Biên Hòa. (Nguồn: tieudung.vn)
Một số thương lái mua mía trong vùng nguyên liệu của SOSUCO chở về Tây Ninh bán cho nhà máy đường Tây Ninh thuộc công ty CP mía đường Thành Thành Công Biên Hòa. (Nguồn: tieudung.vn)

Vụ việc không mới, song một lần nữa chạm đến vấn đề chữ tín của nông dân, của các đơn vị hoạt động trong ngành Nông nghiệp và sâu xa hơn là tính bền vững của các chuỗi liên kết nông nghiệp, đến mục tiêu sản xuất lớn, đồng bộ theo định hướng phát triển chung của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Việc doanh nghiệp đầu tư nguồn lực, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân (ở đây số lượng hộ nông dân có khi lên đến hàng trăm, hàng ngàn hộ), nhưng sau đó khi đến vụ thu hoạch thì bị “bẻ kèo” khi thương lái vào trả giá cao hơn vài trăm đồng/kg - đáng buồn thay lại khá phổ biến và khó xử lý. Tại Đồng Nai, cũng có những doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế biến trái cây, gạo… vấp phải tình trạng này.

Vấn đề nằm ở chỗ, gần như không có lời giải khi các cam kết này bị bẻ gãy. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Đồng Nai từng chua chát chia sẻ khi bị “bẻ kèo” hàng chục ha trái cây bị thương lái tranh mua khi vào vụ, rằng “không lẽ mình đi kiện nông dân?”.

Khi tiến hành đầu tư giống, phân, thuốc, chi phí nhân công… từ đầu vụ, nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu chi phí vốn trong một thời gian khá dài nhằm đảm bảo mình có nguyên liệu cho sản xuất và do đã ký hợp đồng nên nhiều đơn vị không có phương án 2, dẫn đến khi bị tranh mua một lượng nguyên liệu lớn, họ ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, có nguy cơ dừng sản xuất. Thêm vào đó, việc kiện hàng trăm, hàng ngàn nông dân vi phạm hợp đồng dường như là điều bất khả thi và khó có doanh nghiệp nào đủ thời gian, công sức để làm.

Rõ ràng, yếu tố uy tín trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp buộc phải liên kết lẫn nhau mới tiến hành sản xuất lớn được - cần phải có cách bảo vệ, chế tài kỹ lưỡng và hiệu quả hơn, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, tạo những tiền lệ xấu và gây cản trở cho việc hình thành các chuỗi liên kết trong nông nghiệp.     

  Vi Lâm

Tin xem nhiều