Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần 'liều thuốc' đặc trị 'bệnh' kém chất lượng trong lập hồ sơ đầu tư dự án

08:04, 12/04/2021

11 hồ sơ đầu tư dự án bị trả lại trên tổng số 17 hồ sơ đã nhận, tức gần 65% số lượng hồ sơ bị trả lại vì chưa đạt chất lượng. Đây là con số được Sở GT-VT đưa ra chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021. Có thể thấy đây là một con số đáng báo động về chất lượng hồ sơ đầu tư các dự án hiện nay.

11 hồ sơ đầu tư dự án bị trả lại trên tổng số 17 hồ sơ đã nhận, tức gần 65% số lượng hồ sơ bị trả lại vì chưa đạt chất lượng. Đây là con số được Sở GT-VT đưa ra chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021. Có thể thấy đây là một con số đáng báo động về chất lượng hồ sơ đầu tư các dự án hiện nay.

Trên thực tế, việc hồ sơ đầu tư dự án bị trả lại do kém chất lượng diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực chứ không chỉ gói gọn đối với lĩnh vực giao thông. Hồ sơ kém chất lượng cũng diễn ra tại nhiều khâu từ khảo sát đến lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi cho đến lập bản vẽ thi công công trình.

Hậu quả “nhãn tiền” của tình trạng hồ sơ đầu tư dự án kém chất lượng chính là việc thời gian thực hiện các dự án đầu tư công bị kéo dài, chậm tiến độ làm thất thoát một phần không nhỏ vốn xây dựng cơ bản của Nhà nước. Đặc biệt, một số dự án buộc phải ngưng thi công do phải thay đổi hoàn toàn các kết cấu xây dựng so với hồ sơ được duyệt.

Nguyên nhân của tình trạng hồ sơ đầu tư dự án phải “trả đi, trả lại” nhiều lần trước hết là do năng lực yếu kém của các đơn vị tư vấn. Một số đơn vị tư vấn không có lực lượng kỹ sư chuyên môn cao nhưng vẫn trúng thầu các bước lập hồ sơ đầu tư dẫn đến tình trạng chắp vá, sao chép từ công trình này sang công trình khác.

Do đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, đã đến lúc cần “liều thuốc” đặc trị để quản lý các dự án đầu tư xây dựng, nhất là đối với bước chuẩn bị đầu tư và lập dự án. Bởi đây là những bước quyết định quy mô và hiệu quả đầu tư.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, để khắc phục tình trạng “bỏ lọt” hồ sơ đầu tư dự án kém chất lượng, sắp tới Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế xử lý đối với đơn vị tư vấn lập hồ sơ kém chất lượng.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng trên, bên cạnh việc xử lý các đơn vị tư vấn kém năng lực cũng cần đòi hỏi phải có cơ chế xử lý đối với các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phê duyệt các hồ sơ. Qua đó, sẽ buộc các cơ quan, đơn vị phải làm hết trách nhiệm trong công tác phê duyệt hồ sơ. Bởi, hậu quả lớn nhất của việc “bỏ lọt” các hồ sơ đầu tư dự án kém chất lượng không chỉ là việc dự án bị kéo dài dẫn đến làm thất thoát, giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư công mà chính là việc mất niềm tin của người dân khi các cơ quan nhà nước chính là nơi phê duyệt các hồ sơ này.

Lê Văn

Tin xem nhiều