Báo Đồng Nai điện tử
En

Kích cầu du lịch từ thị trường nội địa

09:05, 25/05/2020

Từ ngày 1-6 tới đây, chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" sẽ được Bộ VH-TTDL cùng các tỉnh, thành thực hiện. Chương trình diễn ra đến hết năm nhằm kích cầu du lịch nội địa trong khi thị trường khách quốc tế sụt giảm do dịch bệnh. Với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) du lịch, trong ngắn hạn, kích cầu nội địa chính là sự "cứu cánh" cho ngành du lịch sau thời gian dài ngưng hoạt động.

Từ ngày 1-6 tới đây, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” sẽ được Bộ VH-TTDL cùng các tỉnh, thành thực hiện. Chương trình diễn ra đến hết năm nhằm kích cầu du lịch nội địa trong khi thị trường khách quốc tế sụt giảm do dịch bệnh. Với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) du lịch, trong ngắn hạn, kích cầu nội địa chính là sự “cứu cánh” cho ngành du lịch sau thời gian dài ngưng hoạt động.

Khu du lịch thác Đá Hàn
Khu du lịch thác Đá Hàn. Ảnh minh họa

Để thu hút sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, DN và du khách, sẽ có nhiều sự kiện được tổ chức ở các trung tâm du lịch trọng điểm như: Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, TP.HCM, Kiên Giang, Cần Thơ… Ngoài xây dựng các gói ưu đãi, khuyến mại, cam kết giảm giá và giữ chất lượng, việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho du khách, người lao động và cộng đồng địa phương cũng rất được chú trọng.

Thực tế cho thấy, dù có nhiều tiềm năng song du lịch Việt Nam vẫn chưa được khai thác hết, chưa tạo ra được điểm nhấn để thu hút thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong khi quá chú trọng đến khách du lịch nước ngoài. Vào những mùa cao điểm, du khách trong nước chưa được nhiều đơn vị lữ hành, lưu trú, vận chuyển quan tâm một cách chu đáo, thậm chí còn tình trạng ứng xử thiếu văn minh, lịch sự, ép giá, chặt chém, lừa đảo khách…

Điểm lại kinh nghiệm trước đây, khi khách quốc tế giảm sút thì chính khách nội địa đã “cứu cánh” cho DN ngành du lịch khỏi cảnh phá sản. Đây cũng không phải là lần đầu, việc kích cầu du lịch được thực hiện. Sau đợt khủng hoảng do dịch Sars năm 2003, du lịch Việt Nam đã đứng vững và từng bước phát triển mạnh mẽ cũng là nhờ sức mạnh từ thị trường du lịch nội địa.

Thế nhưng, xét một cách lâu dài, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” cần phải được tính toán căn cơ, thay vì một cuộc vận động có tính giải pháp tình thế. Thị trường với gần một trăm triệu dân, dù nhìn ở góc độ nào, từ lượng khách cho đến doanh thu đều vượt trội so với khách ngoại. Đây cũng là thị trường khách giàu tiềm năng khai thác, có tính ổn định và tỷ lệ người Việt Nam có xu hướng đi du lịch ngày càng tăng, nhiều điểm đến du lịch mới được mở ra khắp cả nước.

Riêng với Đồng Nai, địa phương chưa thật sự mạnh về du lịch thì trong những năm qua đã có những chuyển biến đáng kể. Hàng loạt dự án, địa điểm mới được đưa vào khai thác, tạo nên sự phát triển nhanh hơn cho ngành. Thế mạnh của Đồng Nai lại là từ du lịch ngắn ngày, du lịch phục vụ cư dân đô thị, người lao động ở trong tỉnh, TP.HCM và lân cận vào mỗi dịp cuối tuần. Do vậy, chương trình kích cầu du lịch nội địa lại càng cần thiết hơn. Hữu xạ tự nhiên hương, một khi khách trong nước được ổn định và phát triển thì sẽ kéo theo ngày càng nhiều du khách nước ngoài muốn khám phá Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng.

Đào Lê

Tin xem nhiều