Báo Đồng Nai điện tử
En

Hút vốn đầu tư hạ tầng qua hình thức PPP

08:05, 07/05/2020

Các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là dự án hợp tác giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân để cung cấp cơ sở hạ tầng/dịch vụ công mà đáng lẽ Nhà nước phải làm nhưng thiếu nguồn lực. Nhà đầu tư tư nhân tham gia với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.

Các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là dự án hợp tác giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân để cung cấp cơ sở hạ tầng/dịch vụ công mà đáng lẽ Nhà nước phải làm nhưng thiếu nguồn lực. Nhà đầu tư tư nhân tham gia với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện đã được đệ trình Quốc hội xem xét, lấy ý kiến trước khi quyết định. Đây là động thái phần nào đáp ứng được nhu cầu của thị trường khi lĩnh vực này cần có một khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn được đầu tư quy mô lớn. Đồng thời cũng tạo ra kỳ vọng giải quyết được những hạn chế trong việc thực hiện các dự án theo hình thức PPP thời gian vừa qua.

PPP trong đó có dự án xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO)... là mô hình thích hợp cho các nước đang phát triển huy động vốn và công nghệ để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Trên thực tế, các tỉnh, thành trên cả nước đều kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư  hạ tầng. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực dù được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng lại ít tham gia, ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng lo ngại. Nguyên nhân là dự án BT có thể vướng mắc bởi nhiều khó khăn khi thu hồi quỹ đất vì người giải tỏa khiếu nại, chậm giao mặt bằng, chính sách thay đổi...

Trong khi đó, dự án BOT sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hoàn vốn thì lại phải trải qua nhiều thủ tục, chậm thu phí vì lúc đó cơ quan quản lý mới trình cấp thẩm quyền HĐND tỉnh/thành phố hoặc Bộ Tài chính xem xét. Làm xong dự án mới tính đến thu phí hoàn vốn trong khi hằng tháng phải trả cả gốc lẫn lãi vay ngân hàng... nên nhiều nhà đầu tư ngán ngại.

Đó là chưa kể, những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong quá trình đầu tư, quản lý kinh doanh các dự án. Điều mà thời gian vừa qua là dấy lên dư luận như lợi ích nhóm, “móc ngoặc” chia chác, cán bộ lợi dụng chức vụ bảo trợ cho tham nhũng bằng cách gây thất thoát tài sản công...

Để chính sách khuyến khích nhà đầu tư hợp tác với Nhà nước đầu tư hạ tầng đạt kết quả cao thì yêu cầu đặt ra là phải hài hòa lợi ích giữa các bên. Khi ngân sách còn hạn chế, Nhà nước cần huy động nhiều nguồn vốn, thu hút các nhà đầu tư. Nhưng muốn huy động phải tạo cho nhà đầu tư có động lực tham gia, ở đây nói đến chính sách thông thoáng. Đồng thời muốn tận dụng kinh nghiệm và nguồn lực đầu tư của nhà đầu tư tư nhân cần có cơ chế và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư để họ “thấy có khả năng thu lợi” thì mới tham gia.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư, ngoài lợi ích kinh tế, cũng phải cùng gánh trách nhiệm với Nhà nước, chia sẻ rủi ro đối với tình hình doanh thu của dự án, hiện đang được đề xuất là 50/50 mỗi bên (dù tăng hay giảm).

Nước ta có nhu cầu rất lớn thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, môi trường... PPP là hình thức hợp tác công - tư, có thể gọi là mời nhà đầu tư tham gia hợp tác dài hạn. Vì vậy, khu vực công và tư cần chia sẻ không chỉ lợi ích mà còn cần chia sẻ cả rủi ro.

Văn Gia

Tin xem nhiều