Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chờ cú hích mạnh từ Nhà nước

08:02, 13/02/2020

Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy, gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Hơn 10 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này vẫn cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy, gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) hiện thu hút khá nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch) hiện thu hút khá nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may. Ảnh minh họa

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cuối năm 2019, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngành CNHT với rất nhiều cơ chế, chính sách. Nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả phát triển CNHT của nước ta vẫn chưa đạt yêu cầu như kỳ vọng. Đặc biệt, quá trình triển khai thực hiện các chính sách phát triển CNHT còn chậm.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển CNHT nhưng việc triển khai các cơ chế ưu đãi vẫn còn hạn chế, đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Trong khi đó, doanh nghiệp CNHT của Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa nên khó tiếp cận tín dụng để đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ. Hệ quả là, trong tổng thể chung dù đã đạt được những kết quả nhất định, song nhìn nhận một cách khách quan, CNHT ở Việt Nam vẫn đang chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thực tế, những tồn tại nêu trên đều đã được phân tích và nhìn nhận kỹ thông qua sự đóng góp ý kiến của các DN, hiệp hội ngành nghề. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương xây dựng nghị quyết về phát triển CNHT với những định hướng lớn, quyết sách mạnh mẽ hơn với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT phát triển. Đồng thời đổi mới trong quản lý và thu hút đầu tư để bảo đảm các doanh nghiệp FDI liên kết và chuyển giao công nghệ để CNHT trong nước cùng phát triển. Đối với doanh nghiệp nội, một trong những định hướng lớn là việc hình thành các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT tại ba miền đất nước.

Ở góc độ địa phương, Đồng Nai có thể coi là một trong số ít tỉnh, thành đi tiên phong ưu tiên phát triển CNHT. Những năm gần đây, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp thì có đến 60% dự án là CNHT.

Kế hoạch của tỉnh là thành lập phân khu CNHT tại các khu công nghiệp An Phước (huyện Long Thành), Giang Điền (huyện Trảng Bom) và Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch). Thế nhưng, việc thành lập các phân khu nói trên hiện gặp rất nhiều rào cản, thậm chí có thể sẽ bị “xóa sổ” với những quy định không còn phù hợp tình hình thực tế.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp. Cả nước có khoảng 2 ngàn doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đó là một mục tiêu đầy tham vọng, tuy nhiên, nếu nhìn nhận bài học từ sự èo uột của CNHT trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô những năm qua thì cần phải có một quyết sách thật sự mạnh mẽ, xóa bỏ các rào cản. Bởi suy cho cùng, CNHT chính là công nghiệp công nghệ cao, mà đây lại là xu hướng phát triển không thể đảo ngược. Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này cần sớm được hiện thực hóa.

Vương Thế

Tin xem nhiều