Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thông thái" bao nhiêu là đủ?

10:04, 23/04/2018

Cụm từ "hãy là người tiêu dùng thông thái" lâu nay phổ biến như một cách khuyến cáo, khuyên răn người tiêu dùng hãy tự bảo vệ lấy lợi ích bản thân khi mua hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những loại hàng hóa có liên quan mật thiết đến sức khỏe hàng ngày như thực phẩm, thuốc, đồ uống...

Cụm từ “hãy là người tiêu dùng thông thái” lâu nay phổ biến như một cách khuyến cáo, khuyên răn người tiêu dùng hãy tự bảo vệ lấy lợi ích bản thân khi mua hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những loại hàng hóa có liên quan mật thiết đến sức khỏe hàng ngày như thực phẩm, thuốc, đồ uống...

Khái niệm “thông thái” ở đây được hiểu như việc người tiêu dùng khi mua hàng cần một số kỹ năng: đọc nhãn hàng hóa để xem thành phần, xuất xứ, hạn sử dụng; có kiến thức đủ để phân biệt những chất có hại cho sức khỏe dù nhiều nhà sản xuất “khôn lỏi” vẫn ghi tên chất đó bằng tên hóa học thay vì tên phổ thông; xem và hiểu cách dùng, cách bảo quản vì có những loại hàng hóa đòi hỏi phải sử dụng và bảo quản một cách kỹ càng để tránh gây hại trực tiếp/gián tiếp cho người sử dụng; chọn nơi mua hàng hợp pháp, uy tín và kiên quyết không mua hàng trôi nổi...

Người tiêu dùng nào làm được các điều trên được đánh giá là có kiến thức tốt. Và chỉ nên hiểu “thông thái” ở mức độ đó, bởi không thể đòi hỏi “thông thái” đến nỗi làm thay việc cả những cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm soát chất lượng hàng hóa. Mỗi khi có thông tin hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường, nhiều lời kêu gọi người tiêu dùng “hãy thông thái” cũng nổi lên theo. Song cần phân biệt rõ, người tiêu dùng chỉ có thể đọc, hiểu khi gói hàng đã ở trên tay họ một cách hợp pháp, các bước trước đó từ khâu sản xuất đến lưu thông là của cơ quan chức năng.

Câu chuyện thuốc trị ung thư từ than tre, nứa của Công ty TNHH Vinaca (trụ sở tại Hà Nội) là một trong những câu chuyện điển hình về sự thật hàng hóa được che lấp dưới quá nhiều lớp vỏ bọc hoàn hảo. Một công ty có trụ sở, có hệ thống đại lý phân phối, được cấp phép sản xuất và lưu thông thuốc - một mặt hàng vô cùng nhạy cảm, hóa ra lại là một nơi sản xuất thuốc giả. Chưa kể, thương hiệu của công ty này còn nhận giải tốp 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, Giám đốc công ty còn từng được trao giải gương mặt doanh nhân tiêu biểu... Với một “phông nền” sáng chói như thế, người tiêu dùng dựa vào điều gì để đủ “thông thái” mà từ chối mua hàng hóa của Vinaca? Rõ ràng ở đây, những đối tượng cần thông thái chính là những cá nhân, đơn vị liên quan đã tạo điều kiện cho Vinaca đưa sản phẩm ra thị trường bao lâu nay một cách hợp pháp với hệ thống đại lý chính thức trên nhiều tỉnh, thành, chứ không phải là người tiêu dùng.

Đáng buồn thay, câu chuyện Vinaca không phải là cá biệt. Rất nhiều hàng hóa có thương hiệu được lưu hành, qua nhiều “cửa” kiểm soát để đến tay người tiêu dùng, được trao giải nọ giải kia... rốt cuộc chỉ là hàng giả, hàng kém chất lượng, và đặc biệt nghiêm trọng khi dạng hàng hóa này thường là hóa mỹ phẩm, đồ uống, thức ăn... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Một khi đã qua các cửa kiểm soát để lưu thông hợp pháp trên thị trường, thì thử hỏi người tiêu dùng cần phải thông thái bao nhiêu mới đủ để bảo vệ mình khỏi mua hàng giả, hàng gian?

Vi Lâm

Tin xem nhiều