Báo Đồng Nai điện tử
En

Sòng phẳng

07:11, 28/11/2017

Tuần qua lĩnh vực tài chính - ngân hàng có vài sự kiện lẫn sự vụ nóng. Một là, Quốc hội chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, theo đó các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thể tiến hành phá sản để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong hệ thống.

Tuần qua lĩnh vực tài chính - ngân hàng có vài sự kiện lẫn sự vụ nóng. Một là, Quốc hội chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, theo đó các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thể tiến hành phá sản để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Và hai là, sự cố Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Thái Bình tại TP.Biên Hòa “ôm” 50 tỷ đồng bỏ trốn khiến nhiều người gửi tiền “rần rần” đòi rút tiền tiết kiệm khỏi các quỹ tín dụng.

Trước đó, những tranh cãi xung quanh việc chi trả bảo hiểm tiền gửi bao nhiêu là hợp lý cho những người gửi tiền tại các ngân hàng cũng được bàn thảo rất nhiều. Điều này liên quan mật thiết đến những rủi ro và cách xử lý rủi ro cho người gửi tiền tại các ngân hàng, quỹ tín dụng hiện nay.

Lâu nay, những người có tiền nhàn rỗi nếu không đầu tư sản xuất, kinh doanh thì thường có mấy cách để đồng tiền sinh lợi: bất động sản, vàng, chứng khoán hoặc gửi tiết kiệm. Trong đó, gửi tiết kiệm được xem là kênh sinh lợi an toàn và đỡ mất công sức nhất dù lãi suất không cao, thường chỉ nhỉnh hơn tỷ lệ lạm phát hàng năm một chút. Và lãi suất tiết kiệm (lãi suất huy động vốn) mà các ngân hàng chi trả cho người gửi tiền bao giờ cũng thấp hơn lãi cho vay, lãi suất kỳ hạn ngắn thấp hơn kỳ hạn dài. Do đó trừ khi không “nghĩ” ra cách nào để đầu tư sinh lợi hoặc đề cao tính an toàn, người dân mới đem tiền gửi tiết kiệm. Chỉ có giai đoạn 2008-2011, khi hệ thống ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản, lãi suất huy động mới được đẩy cao chót vót, thậm chí có thời điểm chạm mức 20%/năm, lớn hơn rất nhiều lần so với tỷ lệ sinh lãi của nhiều ngành kinh doanh khác, làm méo mó cả nền kinh tế và Chính phủ cho đến giờ này vẫn đang vất vả giải quyết hậu quả thời kỳ đó, mà việc Quốc hội cho phép phá sản ngân hàng yếu kém là một trong những ví dụ.

Như vậy, nếu đã xem gửi tiền tiết kiệm là kênh đầu tư sinh lợi dù thấp hay cao, thì người gửi tiền cũng phải cân nhắc lựa chọn và chấp nhận rủi ro như bao khoản đầu tư khác. Các ngân hàng cũng thận trọng hơn trong quyết định trả lãi cho người gửi tiền và có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng đồng tiền từ người gửi. Phá sản ngân hàng là điều mà không một nền kinh tế khỏe mạnh nào muốn xảy ra. Bởi tài chính là rường cột của nền kinh tế và những xáo trộn từ đó là xáo trộn gốc rễ, kéo theo hàng loạt hệ lụy. Song, những gì xảy ra mấy năm qua cho thấy việc cho phép phá sản ngân hàng yếu kém là cần thiết đối với cả ngân hàng lẫn người dân. Người dân khi chọn ngân hàng để gửi tiền cũng cần có trách nhiệm tìm hiểu, xem xét quá trình hoạt động, quy mô, uy tín thương hiệu... của chính ngân hàng đó, không vì “tham” lãi cao mà thỏa hiệp với những ngân hàng yếu kém. Và bản thân các ngân hàng sẽ có một môi trường kinh doanh, cạnh tranh sòng phẳng hơn: nếu làm ăn tốt và uy tín thì sẽ có nhiều khách hàng và ngược lại, sẽ phá sản nếu kinh doanh tệ vì không một Chính phủ nào “bao cấp” nữa. Dù còn nhiều “nỗi niềm”, song đây là một chính sách sòng phẳng được Quốc hội ủng hộ với hy vọng sẽ làm nền kinh tế minh bạch và trật tự hơn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều