Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt "có cơ" ra nước ngoài?

11:07, 24/07/2017

Nhiều năm qua, các tập đoàn lớn của Thái đã "dọn đường" cho hàng hóa vào Việt Nam bằng cách âm thầm mua lại cổ phần trong các tập đoàn hoặc công ty bán lẻ đã có sẵn hệ thống phân phối...

Nhiều năm qua, các tập đoàn lớn của Thái đã “dọn đường” cho hàng hóa vào Việt Nam bằng cách âm thầm mua lại cổ phần trong các tập đoàn hoặc công ty bán lẻ đã có sẵn hệ thống phân phối. Đơn cử là các thương vụ mua lại Metro hay Nguyễn Kim của các ông chủ Thái Lan. Tại các chợ lẻ, hàng Thái và sau này là hàng Malaysia, Singapore cũng không kém cạnh. Ở phân khúc cao hơn, hàng hóa từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng tràn ngập, ngày càng nhiều lên theo các lộ trình giảm thuế.

Câu hỏi đặt ra là trong dòng chảy đó, liệu hàng Việt Nam có tận dụng được những lợi thế để có mặt tại thị trường quốc tế? Câu trả lời là có, nhưng ít ỏi. Vào loại sớm nhất có lẽ vẫn là các tên tuổi như Biti’s, vốn đã xâm nhập thị trường Trung Quốc trước khi quay về chiếm lĩnh thị trường nội địa; cà phê Trung Nguyên từng sang đến châu Âu nhưng thành công hạn chế. Gần đây “ông lớn” Vinamilk cũng tuyên bố sẽ xâm nhập thị trường nước ngoài. Một số các nhãn hàng như: Vina Acecook, hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, Thorakao, bột giặt NET... cũng có mặt ở một số thị trường như Lào hoặc Campuchia nhưng số lượng còn hạn chế.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm lên đến gần 175 tỷ USD (số liệu năm 2016), song trong cơ cấu đó chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử… của các tập đoàn nước ngoài gia công tại Việt Nam, cùng các loại khoáng sản, tài nguyên ở dạng thô. Hàng tiêu dùng của Việt Nam hầu như luôn nhập siêu từ hàng chục năm nay, từ hàng chục thị trường Âu sang Á. Những nỗ lực của doanh nghiệp sản xuất hàng Việt trong việc “đem chuông đi đánh xứ người” dường như vẫn rất nhỏ nhoi, chưa mấy ấn tượng.

Nhìn từ bên ngoài, hàng Việt có những mặt hàng khá ấn tượng, kể cả khâu bao bì lẫn chất lượng. Song để một mặt hàng đứng được trên thị trường cần rất nhiều yếu tố, từ marketing, quảng cáo, hệ thống phân phối, chăm sóc, hậu mãi… mà một doanh nghiệp nếu chỉ tự tin về phần chất lượng thì chưa đủ. Những mặt hàng có mặt tại thị trường trong nước và được người tiêu dùng tín nhiệm, các doanh nghiệp sản xuất thậm chí phải chi tiêu cho phần bán hàng nhiều hơn cả chi phí sản xuất là chuyện bình thường.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam hầu như chưa có những doanh nghiệp phân phối có quy mô lớn đủ sức chi phối thị trường nước ngoài, như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã và đang làm. Do đó khi ra nước ngoài, hàng Việt đương nhiên lệ thuộc những hệ thống phân phối có sẵn với các yêu cầu gắt gao. Ngay cả Coop Mart dù nằm trong danh sách 500 tập đoàn bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến nay vẫn chưa thể mở đại lý ở nước ngoài. Ngay tại thị trường nội địa, những nhà bán lẻ có vốn trong nước cũng đang phải cạnh tranh vất vả để giữ thị phần trên chính sân nhà, đồng thời cố xoay xở để tránh bị mua lại cổ phần, do đó sự ưu tiên cho hàng Việt cũng sẽ có phần hạn chế. Cuộc “hôn phối” giữa nhà sản xuất - nhà bán lẻ đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó lợi nhuận là vấn đề chi phối, nên nếu chưa tạo được quan hệ về phân phối, hàng Việt sẽ rơi vào thế bị động dù năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm có tốt đến đâu.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều