Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp thị kiểu… khủng bố

10:05, 15/05/2017

Hầu như người dùng điện thoại chưa ai là chưa từng bị các cuộc gọi/tin nhắn quấy nhiễu, làm phiền với mục đích mời mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Các công ty sử dụng đội ngũ tele-sale (bán hàng qua điện thoại) thông thường là các công ty kinh doanh và môi giới bất động sản,...

Hầu như người dùng điện thoại chưa ai là chưa từng bị các cuộc gọi/tin nhắn quấy nhiễu, làm phiền với mục đích mời mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Các công ty sử dụng đội ngũ tele-sale (bán hàng qua điện thoại) thông thường là các công ty kinh doanh và môi giới bất động sản, kinh doanh bảo hiểm, tài chính, du lịch, ăn uống. Đội ngũ tele-sale lấy nguồn số di động từ đâu chẳng rõ, nhưng miệt mài gọi ngày, gọi đêm, nhắn tin quảng cáo...  bất chấp người nghe đang lái xe, đang họp, đang ngủ hay đang làm việc.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Sự thật là việc bán hàng qua điện thoại từ lâu được xem như một cách bán hàng có tỷ lệ thành công tương đối, đặc biệt với những đối tượng khách hàng có nhiều thời gian rảnh rỗi để lắng nghe về lợi ích của một căn hộ, một gói bảo hiểm, một tour du lịch. Tuy nhiên, đa phần các cuộc gọi mang tính làm phiền khách hàng cao mà đến nay chưa có phần mềm hay cách ngăn chặn nào hiệu quả. Thông thường, các tin nhắn quảng cáo (tin rác) thường đến từ một vài đầu số đã được các công ty liên kết dịch vụ đăng ký với các nhà mạng, nên khi bị dạng tin này làm phiền, người tiêu dùng có thể phản ứng trong một mức độ nào đó. Riêng đối với tele-sale, điều này hầu như bất khả thi bởi các cuộc gọi và tin nhắn thường đến từ số điện thoại cá nhân của nhân viên bán hàng. Các nhân viên này sử dụng nhiều số điện thoại để liên lạc, nhắn tin mời gọi mua hàng và các số này là đầu số cá nhân nên người nghe khó lòng phản ứng. Họ có thể sử dụng dịch vụ chặn số điện thoại, nhưng chặn số này lại... lòi ra số khác nên nhà mạng dù có biết cũng... vô phương. Một vài công ty bảo hiểm, công ty bất động sản sử dụng đội tele-sale quá mạnh đã bị người tiêu dùng phản ứng mạnh đến tận công ty. Song rồi đâu vẫn hoàn đấy, khách hàng vẫn liên tục bị làm phiền.

Khó có thể nói hết những phản cảm và phiền phức của khách hàng khi đối mặt với kiểu tiếp thị “khủng bố” nói trên. Có người nhận được 5-6 cuộc gọi và cả chục tin nhắn/ngày mời mua căn hộ, vay tiền, mua ô tô... đến nỗi không dám bắt máy khi thấy số lạ gọi đến. Rất nhiều người buộc phải cúp máy ngang xương khi vừa nghe “căn hộ” hay “vay tiền” vì mệt mỏi do đã quá nhiều lần phải từ chối lịch sự. Nhân viên tela-sale lại tiếp tục làm phiền khách theo kiểu gọi/nhắn ỡm ờ: “Chào chị, chị lâu nay có khỏe không” hay “Anh có nhớ em không”... với độ làm phiền ngày càng cao. Thực tế, khi người tiêu dùng có ý định mua những hàng hóa/dịch vụ có giá trị cao như căn hộ tiền tỷ hay một gói bảo hiểm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, họ thường tự tìm hiểu kỹ bằng nhiều nguồn thông tin và ngày càng ít khách hàng quyết định mua bán kiểu bất chợt sau khi nhận một cuộc gọi. Theo cách suy luận này thì hiệu quả bán hàng qua điện thoại có vẻ không cao, thêm vào đó, hình ảnh của chính doanh nghiệp cũng xấu và “rẻ” đi trong mắt cộng đồng. Tuy nhiên, không hiểu sao hàng loạt công ty vẫn tiếp tục chọn cách bán hàng và tiếp thị kiểu “khủng bố” này?

Vi Lâm

Tin xem nhiều