Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương hiệu Việt trong "cơn bão" thâu tóm

10:05, 29/05/2017

Mới đây, một trong những thương hiệu hàng Việt lâu năm là chả giò Cầu Tre đã chính thức thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc). CJ bắt đầu tham gia cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre từ tháng 12-2016...

Mới đây, một trong những thương hiệu hàng Việt lâu năm là chả giò Cầu Tre đã chính thức thuộc quyền kiểm soát của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc).

CJ đã mua xong 71,6% Cầu Tre, đổi tên thành CJ Cầu Tre
CJ đã mua xong 71,6% Cầu Tre, đổi tên thành CJ Cầu Tre. Ảnh: Internet.

CJ bắt đầu tham gia cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre từ tháng 12-2016 sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần từ các quỹ đầu tư khác để nắm giữ hơn 47% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Sau đó, tập đoàn này mua thêm cổ phần để nhanh chóng nâng tỷ lệ nắm giữ lên 51,6% và đến nay lên đến 71,6%; chả giò Cầu Tre phải đổi luôn cả tên lẫn logo, chính thức là thương hiệu thuộc về nhà đầu tư Hàn Quốc.

Câu chuyện của CJ thật ra chỉ là một ví dụ mới nhất cho hàng loạt thương vụ sáp nhập, thâu tóm các thương hiệu hàng Việt lâu năm trong mấy năm gần đây.

Đã có nhiều thương hiệu Việt Nam đình đám một thời, như: kem đánh răng Dạ Lan, nước ngọt Tribeco, bia Huda Huế, bánh kẹo Bibica, phở 24, băng vệ sinh Diana, Vinacafé Biên Hòa... dần dần bị chi phối bởi nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...

Sự lấn sân của các tập đoàn nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại quyền chi phối những thương hiệu Việt lâu đời được cho là nước cờ khôn ngoan khi muốn kinh doanh tại Việt Nam. Các tập đoàn có vốn mạnh, có kinh nghiệm bán hàng và marketing, có hệ thống quản trị chuyên nghiệp... nên khi kết hợp với những thương hiệu lâu đời của Việt Nam thì sức lan tỏa xa hơn, sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.

Những sản phẩm, như: kem đánh răng PS, băng vệ sinh Diana cùng nhiều mặt hàng khác, sau thâu tóm thì trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng, bao bì mới mẻ và giá cả cũng cạnh tranh hơn.

Vậy, thương hiệu Việt sẽ mất gì trong cơn bão thâu tóm đó? Trước hết, đó là quyền sở hữu. Hàng Việt lâu nay được hiểu chung chung là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, đóng thuế và tạo công ăn việc làm cho người Việt. Tuy vậy, nếu hàng hóa đó mang thương hiệu của các nhà đầu tư nước ngoài, thì đó vẫn là sở hữu của họ. Chỉ có họ mới có thực quyền trong việc mở rộng hay thu hẹp, xuất khẩu hay chuyển nhượng thương hiệu.

Tiếp nữa, dù có thể vẫn bán tại thị trường Việt Nam, mang một cái tên thuần Việt, song những thương hiệu Việt đã bị thâu tóm sẽ do các tập đoàn mua lại toàn quyền quyết định về hương vị, công thức, hướng phát triển... Chưa kể, nhiều khía cạnh nhạy cảm khác, như: công ăn việc làm, chính sách thuế, phân bố lợi nhuận... cũng sẽ không còn thuộc quyền quyết định của các doanh nghiệp Việt Nam từng sở hữu thương hiệu.

Về mặt tinh thần, việc bán đi các thương hiệu Việt lâu đời cũng gây nên nhiều tiếc nuối cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, song thực tế kinh doanh cạnh tranh gắt gao là điều buộc phải chấp nhận. Có những thương hiệu dù lâu đời song cũng chỉ loanh quanh vài tỉnh, thành với doanh thu bé nhỏ, không đủ vốn, công nghệ, hệ thống phân phối... để vươn xa hơn, thậm chí có nguy cơ chết yểu trước cơn bão cạnh tranh của thị trường.

Trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... ngày càng nhiều và rẻ, cuộc cạnh tranh để giữ thị phần của những nhãn hàng Việt càng mệt mỏi hơn. Và khi doanh nghiệp Việt đuối sức, nhãn hiệu dễ dàng bị thâu tóm.

Bài toán giữ lại một thương hiệu truyền thống nhưng yếu ớt, hay “bán mình” để mạnh hơn, luôn là bài toán rất khó để trả lời của những nhà sản xuất Việt Nam.

Vi Lâm

Tin xem nhiều