Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân cần gì?

09:05, 01/05/2017

Như lo ngại từ trước Tết Nguyên đán, một cuộc "giải cứu" heo đã thực sự phải diễn ra trên quy mô lớn, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, thậm chí các ngành dọc như quân đội, công an cũng được khuyến khích tiêu thụ thịt heo để lượng heo tồn kho trong dân giảm xuống.

Như lo ngại từ trước Tết Nguyên đán, một cuộc “giải cứu” heo đã thực sự phải diễn ra trên quy mô lớn, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, thậm chí các ngành dọc như quân đội, công an cũng được khuyến khích tiêu thụ thịt heo để lượng heo tồn kho trong dân giảm xuống. Không như cuộc “giải cứu” chuối trước đó, giải cứu heo có vẻ bài bản và quy mô hơn, từ các cuộc hội thảo, kết nối đến các sạp thịt heo mở ra tại các đô thị với mục tiêu đưa thịt heo thẳng từ chuồng ra sạp, hạn chế các chi phí trung gian để kích thích tiêu dùng.

Rất khó và sẽ là thiếu cơ sở để bàn xem những cuộc giải cứu nói trên tác dụng đến đâu, bởi sẽ xảy ra mâu thuẫn giữa nhóm ý kiến “phải giải quyết căn cơ” và nhóm ý kiến “xử lý tình hình nóng trước mắt”. Lựa chọn nào cũng có cái giá riêng của nó. Mặc dù vậy, ở đây xin bàn đến khía cạnh rằng đã đến lúc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn bắt tay vào làm ngay một hệ thống thông tin được cập nhật kịp thời cho nông dân để họ tự ý thức và tính toán trong việc có tăng đàn và mở rộng diện tích hay không, nhằm tìm cách hạn chế bớt tình trạng sản xuất quá nhiều mà không bán hết.

Sở dĩ như vậy vì bao lâu nay, nông dân đang “lạc” giữa rừng khuyến cáo, thông tin, con số… của nhiều nơi cung cấp, mà thiếu đi sự tin cậy. Chẳng hạn, với những cây trồng và vật nuôi chủ lực, nông dân cần những thông tin “nền” trước mỗi kỳ sản xuất, như: sản lượng nhiều vùng trên cả nước, thị trường tiêu thụ chính có những biến đổi gì lớn, giá cả dự kiến, xu hướng tiêu dùng... Và một khi ra quyết định, nông dân cũng cần phải chịu trách nhiệm với chính quyết định của mình, lời ăn lỗ chịu và lâu dần xây dựng được tư duy sắc bén hơn trong làm ăn. Người tiêu dùng, nhà nước hay doanh nghiệp về lâu dài có lẽ cũng cần thay đổi tư duy “nông dân là đối tượng cần giải cứu”. Vì nói cho cùng, người tiêu dùng không thể ăn thịt heo hay ăn chuối quá nhiều chỉ trong một thời gian ngắn.

Cái thiếu nhất của nông dân hiện tại không nằm ở đất, tài chính, công nghệ… mà chính là ở thông tin. Họ thường ra quyết định tăng đàn hay sản xuất lớn dựa trên những thông tin rất mơ hồ về thị trường tiêu thụ. Tại nhiều nước phát triển, nông dân buộc phải tham gia các hiệp hội ngành nghề và sinh hoạt đều đặn để nắm được thông tin nền tảng về mặt hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh, giá cả lên xuống… nhằm ra những quyết định đúng đắn nhất có thể về đầu tư sản xuất. Hệ thống thông tin này với bối cảnh Việt Nam hiện tại, có lẽ chỉ có Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn mới đủ tài lực và vật lực để thực hiện và cập nhật.

Trước mắt, các cuộc giải cứu cứ việc diễn ra nếu cần phải thế. Nhưng lâu dài thì Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn nên xây dựng một cơ chế và nguồn thông tin ổn thỏa, còn lại quyền quyết định thuộc về nông dân.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều