Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nào hàng Việt chuyển mình?

10:05, 08/05/2017

Khoảng 1 năm nay, nhiều vấn đề nóng bỏng trên lĩnh vực nông nghiệp nổi lên nên từ báo chí đến người tiêu dùng có phần "lơ là" hàng Việt. Cuộc cạnh tranh và chuyển mình của hàng Việt trước đây được theo sát nút thì nay lơi lỏng hơn, dù bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.

Khoảng 1 năm nay, nhiều vấn đề nóng bỏng trên lĩnh vực nông nghiệp nổi lên nên từ báo chí đến người tiêu dùng có phần “lơ là” hàng Việt. Cuộc cạnh tranh và chuyển mình của hàng Việt trước đây được theo sát nút thì nay lơi lỏng hơn, dù bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Một trong những điểm đáng chú ý nhất là đi cùng các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực khiến thuế nhập khẩu giảm mạnh, hàng hóa nhập khẩu đang có một cuộc tiến công âm thầm nhưng mạnh mẽ từ kệ hàng siêu thị đến tiệm tạp hóa trong khu dân cư, trên những trang mạng xã hội đến các cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu.

Hàng nhập ở đây đề cập là hàng nhập khẩu 100% từ thương hiệu đến nơi sản xuất, chủ yếu các nước: Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan... và bao phủ nhiều ngành hàng: trái cây, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng...

Ngay tại TP. Biên Hòa, nếu để ý quan sát sẽ thấy trong vòng 1 năm nay, nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh 100% hàng nhập khẩu được mở ra liên tục trên các tuyến đường trung tâm, như: Hưng Đạo Vương, 30-4, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận... và nhập hàng liên tục mỗi ngày.

Đáng chú ý là nhiều người đã chuyển sang dùng hàng nhập khẩu 100% từ Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc... vì giá bán có khi còn rẻ hơn so với hàng cùng loại trong nước. Một tuýp sữa rửa mặt nội địa Nhật 100% hiệu S. dung tích 200ml chỉ có 200 ngàn đồng, kem đánh răng vài ba chục ngàn đồng, sữa tắm, dầu gội, kem dưỡng da... cũng rẻ tương đương hoặc giá nhỉnh hơn hàng trong nước một chút, được khiến nhiều người tiêu dùng chọn mua hàng nhập khẩu.

Chưa bàn đến chuyện chất lượng, song về sâu xa, tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng hàng ngoại, đặc biệt là các mặt hàng của các quốc gia có hệ thống kiểm soát chất lượng rõ ràng, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu... Đó là một thực tế mà các nhà sản xuất trong nước luôn phải tâm niệm.

Thời gian qua, nhiều loại hàng Việt đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Song điểm lại, nhóm “mạnh” thực sự vẫn chưa ghi nhận nhiều tên tuổi lắm, còn lại đa phần doanh nghiệp sản xuất hàng Việt vẫn đang vất vả chèo chống để có thêm thị phần.

Trước nay, hàng nhập khẩu chỉ cạnh tranh mạnh hơn ở phân khúc hàng cao cấp. “Đợt sóng” hàng nhập khẩu sắp tới có thể sẽ ghi nhận một sự tấn công từ phân khúc hàng bình dân cũng là điều để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận lại, vì đây cũng là mặt trận chính của doanh nghiệp Việt. Không sớm chuyển mình thực sự, có lẽ sẽ càng khó cho hàng Việt.

Vi Lâm

Tin xem nhiều