Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện con tôm và hạt gạo

10:06, 03/06/2013

Hai mặt hàng xuất khẩu thuộc loại “cứng cựa” của Việt Nam lại  “trắc trở” là tôm và gạo.

Hai mặt hàng xuất khẩu thuộc loại “cứng cựa” của Việt Nam lại  “trắc trở” là tôm và gạo.

Chuyện mới đây nhất là ngày 29-5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố phán quyết sơ bộ mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh từ 7 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Như vậy, bên cạnh thuế chống bán phá giá, hiện nay con tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lại phải gánh thêm một loại thuế phi lý mới: thuế chống trợ cấp.

Còn hạt gạo, mặc dù cũng nằm trong tốp đầu về sản lượng xuất khẩu hàng nông sản nước ta và cũng có thứ hạng cao nhất nhì thế giới, nhưng nông dân Việt chưa lúc nào được thảnh thơi. Bởi xuất nhiều nhưng giá lúc nào cũng thấp, và hiện đang xuống dưới 380 USD/tấn - mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam khi ngồi vào bàn thảo giá xuất khẩu, lúc nào cũng ở “chiếu dưới” so với gạo Thái Lan, Philippines, Ấn Độ… nên khó lòng rộng tay với nông dân khi mua nguyên liệu, dù Chính phủ đã tìm mọi cách để người trồng lúa có chút lời.

Chuyện con tôm và hạt gạo đặt ra 2 vấn đề về chất lượng: phải làm sao để nông sản Việt Nam không vị “xử ép” khi xuất vào các thị trường khó tính? Và làm sao để hàng hóa kém chất lượng không ồ ạt đổ vào Việt Nam, gây hại cho hàng hóa của các doanh nghiệp làm ăn chính đáng mà không vấp phải một lực cản nào?

Nhìn sang Thái Lan có thể thấy, họ đã chuẩn bị kỹ càng cho hàng hóa của mình khi xuất sang xứ người. Không còn bàn cãi gì về tiếng tăm và chất lượng gạo Thái, khi mà chính trên đất nước mà đâu đâu cũng gặp đồng lúa như Việt Nam, gạo Thái lại tràn ngập. Còn với con tôm, vì sao Thái Lan dẫn đầu về xuất khẩu tôm trên thế giới nhưng ít khi phải đương đầu với rào cản “kỹ thuật” tại các thị trường lớn, như: Mỹ, Nhật Bản hay EU? Vì sao chất lượng tôm Thái Lan ổn định hơn? Câu trả lời nằm ở chỗ từ nhiều năm qua, Thái Lan đã chủ động áp dụng chính sách quản lý chất lượng vệ sinh - an toàn thực phẩm đối với tôm nuôi theo chuỗi sản xuất, do đó mà con tôm Thái cũng có vị trí đáng kể trên thị trường thế giới, hiếm khi bị xử ép bằng hàng rào kỹ thuật hay các chính sách bảo hộ thương mại khác.

Lịch sử kinh doanh Việt Nam chỉ mới chứng kiến 2 doanh nghiệp lần đầu tiên nộp đơn kiện chống bán phá giá với mặt hàng thép là Công ty cổ phần Hòa Bình và Posco VST diễn ra trong tháng 5 vừa qua, và hiện đang được xem xét. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam từng đối diện không biết bao nhiêu lần với các vụ kiện của doanh nghiệp nước bạn về chống phá giá, chống trợ cấp… và thua kiện cũng không ít lần.

Điều này muốn cải thiện, có lẽ cần một môi trường pháp lý rõ ràng minh bạch hơn, những hàng rào kỹ thuật và quy chuẩn cao hơn đối với hàng nhập khẩu, và rõ ràng doanh nghiệp cũng cần trang bị thông tin, nhận thức để khi cần, có thể tự bảo vệ hàng hóa của mình.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều